GEG - Canh mua khi giá về vùng 18,000-20,000
Với việc liên tục đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo xu hướng năng lượng sạch trong tương lai, triển vọng dài hạn của CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) là rất sáng sủa.
Triển vọng tích cực của năng lượng tái tạo trong tương lai
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự phát triển bùng nổ của công nghệ năng lượng sạch sẽ được mở rộng trong tương lai, quy mô của thị trường này sẽ đạt giá trị lên đến 27 nghìn tỷ USD đến năm 2050.
Ước tính quy mô thị trường công nghệ năng lượng sạch theo công nghệ và khu vực giai đoạn 2020-2050
Chú thích:
Stated Policies Scenario (STEPS): Chính sách quốc gia - Là kịch bản có thể xảy ra mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế xem xét có tính đến chính sách khí hậu thực tế.
Net Zero Emissions (NZE): Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - Kế hoạch nhằm đạt mục tiêu "net zero" về khí thải nhà kính trước năm 2050.
Trong những năm gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo đã có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Theo thống kê từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương, tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20,670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31.5 tỷ kWh, chiếm 12.3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Trong sáu tháng đầu năm 2022, con số này đã tăng lên khoảng 15% sản lượng điện hệ thống, theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
Công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam giai đoạn 2010-2022
Liên tục đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo
Doanh nghiệp hiện đang sở hữu 12 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất 81 MW, 5 nhà máy điện mặt trời và 34 hệ thống áp mái với tổng công suất 292 MWp (megawatt-peak), 3 mà máy điện gió với công suất 130 MW.
GEG tiếp tục đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, hiện GEG đang đầu tư dự án điện gió Tân Phú Đông 1 với tổng công suất 100 MW, dự kiến vận hành vào quý 4/2022 và sẽ mang lại doanh thu khoảng 600 tỷ đồng/năm.
GEG còn có dự án V.P.L giai đoạn 2 với công suất 30 MW. Về điện mặt trời, doanh nghiệp còn dự án Đức Huệ 2 với công suất 49 MW. Hai dự án trên đều đã chuẩn bị sẵn thủ tục pháp lý và sẵn sàng triển khai trong thời gian tới.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có kế hoạch đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khác trong tương lai nhằm đa dạng hóa nguồn điện của mình.
Doanh thu tăng trưởng tốt
Doanh thu bán điện của GEG liên tục tăng trưởng đều qua các năm. Với việc đưa vào vận hành 3 nhà máy điện gió vào cuối năm 2021, kết quả kinh doanh của GEG trong quý 1/2022 có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng 123.2% so với cùng kỳ, hoàn thành 53% kế hoạch năm 2022.
Cũng theo GEG, quý 1 và quý 4 sẽ là giai đoạn thuận lợi cho các nhà máy điện gió nhờ vào tốc độ gió mạnh trong khoảng thời gian này.
Rủi ro tài chính nằm ở mức cao
Với việc liên tục đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo, GEG liên tục duy trì nợ vay ở mức cao. Theo đánh giá rủi ro tài chính doanh nghiệp của Standard & Poor's, rủi ro tài chính của GEG nằm ở mức rất cao (Highly Leveraged).
Nếu trong những năm tới tình trạng này không được cải thiện thì người viết cho rằng cần loại GEG ra khỏi danh mục đầu tư.
Chiến lược đầu tư
Theo lý thuyết sóng Elliott, với điểm bắt đầu (điểm 0) là tháng 07/2021, chúng ta sẽ có sóng đẩy (impulse wave) với cấu trúc 5 sóng đạt đỉnh ở vùng 28,000-29,000. Đặc điểm của sóng này trong trường hợp GEG là các sóng tăng nhỏ thu hẹp dần với sóng 1 dài nhất và sóng 5 ngắn nhất.
Sau đó, giá chuyển sang quá trình đi xuống với cấu trúc sóng điều chỉnh (corrective wave) là A-B-C. Hiện tại, giá đang đi trong sóng C và đà giảm có dấu hiệu suy yếu từ từ.
Vùng 18,000-20,000 được đánh giá là rất mạnh và có nhiều khả năng sẽ là điểm kết thúc của quá trình điều chỉnh kéo dài từ tháng 03/2022 đến nay. Việc mua vào khi giá test lại vùng này được ủng hộ mạnh mẽ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận