GAS: Điểm tựa từ giá dầu thế giới
Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) công bố BCTC hợp nhất Q3/2021 với doanh thu thuần đạt 18.5 nghìn tỷ đồng (-18.3%QoQ, +16.3% YoY) và LNST đạt khoảng 2.4 nghìn tỷ đồng (+7%QoQ, +19.1 %YoY).
Cập nhật kết quả kinh doanh
Lợi nhuận của GAS trong Q3/2021 chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng được bù đắp bởi giá dầu thế giới tăng cao
Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) công bố BCTC hợp nhất Q3/2021 với doanh thu thuần đạt 18.5 nghìn tỷ đồng (-18.3%QoQ, +16.3% YoY) và LNST đạt khoảng 2.4 nghìn tỷ đồng (+7%QoQ, +19.1 %YoY). Các biện pháp giãn cách trong đợt bùng phát Covid-19 đợt 4 ở các tỉnh thành phía Nam đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu khí của nhà máy điện, khiến sản lượng khí khô Q3 giảm xuống 1.5 tỷ m3 (- 30% YoY); lũy kế 9 tháng sản lượng khí khô đạt 5.6 tỷ m3 (-18% YoY). Dù vậy, lợi nhuận của công ty vẫn tích cực nhờ yếu tố giá khí đầu ra tăng mạnh theo giá dầu thế giới. Tính đến thời điểm cuối quý 3, giá dầu ent ở mức 78 USD/thùng, cao hơn gần 86% so với mức trung bình của 2020 (xấp xỉ 42 USD/thùng).
Trong 9T 2021, GAS ghi nhận doanh thu thuần đạt 58.8 nghìn tỷ (+21% YoY) và LNST đạt 6.8 nghìn tỷ (+9.2% YoY), hoàn thành lần lượt 84% và 97% kế hoạch năm.
Mảng LPG của GAS ghi nhận kết quả tích cực với sản lượng 9T 2021 vẫn đạt 1.5 nghìn tấn (+4% YoY) dưới tác động của dịch bệnh trong khi GAS cũng được hưởng lợi nhờ xu hướng tăng của giá LPG.
Mặt bằng giá dầu thế giới duy trì ở mức cao cùng với nhu cầu tiêu thụ khí hồi phục sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt trong thời gian tới
Chúng tôi kì vọng nhu cầu tiêu thụ khí hồi phục vào Q4 khi mà Việt Nam bước vào giai đoạn sống chung với dịch Covid-19 nhưng sẽ phần nào bị cản trở bởi cạnh tranh gia tăng của điện tái tạo cũng như thủy điện khi xác suất diễn ra hiện tượng La Nina tăng lên trong giai đoạn đầu năm sau. Mặt khác, giá dầu Brent ở nhiều khả năng duy trì ở mặt bằng giá cao trong thời gian tới được xem là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho GAS (giá dầu FO tương quan chặt chẽ với giá dầu Brent).
LNG – động lực tăng trưởng trong dài hạn
Trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao và với quy hoạch tăng tỷ trọng sử dụng điện khí (tính cả LNG) trong dự thảo Quy hoạch phát triển ngành điện 8, triển vọng tiêu thụ LNG sẽ tích cực và mảng LNG được xem là động lực phát triển quan trọng của GAS thời gian tới. GAS hiện đang dẫn đầu và đóng vai trò là nhà đầu tư chính của 9/14 kho cảng LNG.
Dự án kho LNG Thị Vải vẫn đang bám sát tiến độ và chúng tôi kì vọng có thể bắt đầu vận hành thương mại vào cuối năm 2022. Công suất giai đoạn 1 của kho LNG Thị Vải là 1 triệu tấn/năm, sau đó có thể mở rộng lên 3-6 triệu tấn/năm (2024 – 2025).
Bên cạnh đó, PVGas cũng đã thực hiện ký kết thỏa thuận liên doanh thành lập công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ với AES. Công suất kho cảng giai đoạn 1 là 3.6 triệu tấn/năm và có thể lên tới 9 triệu tấn cho giai đoạn tiếp theo. Kho cảng sẽ tiếp nhận, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa làm nhiên liệu cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, dự kiến được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận