Gạo Việt sáng cửa tăng trưởng nhờ xuất khẩu
Những diễn biến trên thị trường quốc tế cùng công điện gỡ vướng thúc đẩy phát triển ngành gạo từ Thủ tướng Chính phủ mở ra cơ hội lớn cho thị trường gạo Việt Nam bứt tốc. Bức tranh xuất khẩu vô cùng sáng, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cơ hội
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
Theo Thủ tướng, tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm ước tăng 22,2% về lượng, tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và nền kinh tế, đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn giá thóc, gạo trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và lợi ích người nông dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu vẫn còn những khó khăn, hạn chế như chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn; công tác phát triển thị trường chưa tương xứng với tiềm năng ngành hàng; sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo; giá cả đầu vào tăng cao…
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương; Ngoại giao; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, tận dụng thời cơ, cơ hội thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023.
Những chỉ đạo vô cùng kịp thời của người đứng đầu chính phủ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển ngành gạo, đẩy mạnh xuất khẩu, trong bối cảnh, thị trường gạo đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp hàng đầu thị trường Việt đang cho thấy sự thận trọng nhất định trong mục tiêu kinh doanh.
Trên bình diện quốc tế, việc Ấn Độ đang lên kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải basmati (gạo hạt dài Ấn Độ) nhằm ứng phó với tình trạng giá gạo đang tăng cao ở trong nước đồng thời tránh nguy cơ lạm phát trỗi dậy trước các cuộc bầu cử quan trọng cũng là một yếu tố giúp bức tranh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt sáng hơn trong nửa cuối năm 2023.
Nên biết, quốc gia Nam Á này đang chiếm 40% thị phần thương mại gạo toàn cầu và là nhà cung cấp gạo chính cho hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, có Việt Nam. Ước tính sơ bộ những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5.000 tấn gạo Ấn Độ mỗi năm.
Bức tranh sáng
Những yếu tố nói trên giúp bức tranh xuất khẩu nửa cuối năm 2023 trở nên tươi sáng. Những doanh nghiệp lớn trong ngành như Công ty CP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (HoSE: LTG)... đều đặt mục tiêu lãi lớn.
Đơn cử như PAN Group đặt mục tiêu 2023 đạt doanh thu 15.156 tỷ đồng, tăng 11% và lãi ròng 402 tỷ đồng, tăng 10,7% so với mức thực hiện năm ngoái. Riêng mảng nông nghiệp, Tập đoàn PAN dự kiến doanh thu và lợi nhuận tăng 10 - 15%, do nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật.
Hay như Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) lên kế hoạch doanh thu 3.994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 80 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,2% và 13,9% so với năm 2022.
Một thương hiệu lớn khác là Lộc Trời. Năm 2023, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này là 14.028 tỷ đồng và 465,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 13% so với năm 2022.
Trao đổi với Nhadautu.vn, đại diện truyền thông Tập đoàn Lộc Trời cho biết, rào cản lớn nhất của ngành là thị trường xuất khẩu không ổn định dẫn đến việc khó xác định và chuẩn bị.
"Tuy nhiên, tập đoàn đã lên kế hoạch chuẩn bị từ cách đây 8 – 10 năm để không ngừng nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất", đại diện Lộc Trời nói về phương án thích ứng với thị trường.
Nên biết, PAN, LTG, TAR... đều là những doanh nghiệp hàng đầu thị trường gạo và doanh thu từ xuất khẩu chiếm ít nhất 15% tổng doanh thu của các tập đoàn này. Thị trường xuất khẩu chính của các tập đoàn này là EU, Trung Quốc... cũng là những thị trường gạo lớn.
Ở quy mô nhỏ hơn, những doanh nghiệp gạo nội địa hoặc xuất khẩu quy mô nhỏ cũng kỳ vọng lượng đơn hàng gạo xuất khẩu cuối năm vẫn tiến triển theo chiều hướng thuận lợi cả về số lượng lẫn giá cả.
"Hiện nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc và Indonesia...đang đẩy mạnh thu mua gạo nhằm mục đích dự trữ. Điều này sẽ đẩy giá gạo tăng cao và có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam", đại diện công ty gạo Vinh Hiển (Tiền Giang) nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, năm 2023 sẽ là cơ hội vàng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi Phillipines có thể nhập khẩu 3,1-3,2 triệu tấn gạo của Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc cũng có kế hoạch mua gạo dự trữ vì thời tiết cực đoan bởi ảnh hưởng của El Nino do biến đổi khí hậu...
Trước tình hình hiện tại, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I- II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho năm 2024.
"Riêng thị trường trong nước giá nội địa dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao do vụ Thu Đông sẽ dứt điểm với sản lượng thấp hơn mọi năm và phải đến giữa tháng 3/2023 vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới bước vào cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân 2022/23", VFA thông tin.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bởi Trung Quốc có khả năng hút hàng khi có những hợp đồng lớn.
Tuy nhiên, nhìn chung ngành gạo Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Cụ thể như chi phí vận chuyển (logistics) ngày càng là vấn đề đau đầu cho doanh nghiệp nhất là việc vận tải biển giá ngày càng cao. Thêm nữa nhiều doanh nghiệp cần được hỗ trợ mạnh hơn về vốn để nâng cao sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời các vấn đề về thời tiết, dịch bệnh cũng như các vấn đề xung đột chính trị, kinh tế toàn cầu như hiện nay cũng tác động không nhỏ đến ngành gạo Việt Nam.
"Nên bổ sung thêm các chính sách về hỗ trợ nguồn vốn đầu tư nông nghiệp và có cơ chế phù hợp để thúc đẩy giải ngân cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân; cũng như chính sách lãi vay phù hợp để các doanh nghiệp đảm bảo xoay sở được nguồn vốn hoạt động", đại diện LTG đề xuất và cho rằng, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc hoạch định chính sách, vận động bà con nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tạo ra các vùng nguyên liệu quy mô lớn theo cơ cấu các giống chất lượng cao tại các tỉnh.
Đồng thời, ăng cường vai trò kết nối giao thương, phát triển các trung tâm xúc tiến thương mại tại TP.HCM, hệ thống logistics, cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hoạt động xuất khẩu gạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường