Gần nửa số doanh nghiệp niêm yết vượt kế hoạch kinh doanh 2021
361 doanh nghiệp niêm yết đã vượt kế hoạch lợi nhuận 2021, chiếm gần nửa tổng số doanh nghiệp toàn thị trường. Con số này tăng 28% so với năm trước.
Doanh nghiệp logistics và phân bón thăng hạng
Dù đối mặt với nhiều khó khăn từ cơn bão COVID-19, các doanh nghiệp logistics vẫn duy trì và phát triển mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với tổng sản lượng thông qua các cảng liên tục gia tăng cùng với giá cước vận tải neo ở mức cao đã giúp lợi nhuận nhóm doanh nghiệp logistics tăng trưởng vượt bậc.
Dẫn đầu nhóm doanh nghiệp vượt kế hoạch kinh doanh năm 2021 toàn ngành nói chung cũng như nhóm doanh nghiệp logistics nói riêng là Vinafreight (HNX: VNF) - Công ty con của CTCP Transimex (HOSE: TMS). Kết thúc năm, đơn vị đem về gần 67 tỷ đồng lãi ròng, gấp gần 10 lần năm trước nhờ giá cước vận tải tăng.
Với kết quả đó, VNF đã vượt gấp 326 lần kế hoạch. Tuy nhiên, con số kế hoạch lãi trước thuế 300 triệu đồng VNF đưa ra trong năm 2021 đã giảm 45 lần so với năm 2020.
Hay như cú lội ngược dòng của Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS), thoát khỏi khoản lỗ 186 tỷ đồng trong năm trước, doanh nghiệp đã có lãi hơn 490 tỷ đồng trong năm 2021. Qua đó, VOS đã vượt 16% chỉ tiêu doanh thu và vượt gấp gần 17 lần mục tiêu lãi trước thuế.
VOS cho biết, đội tàu của công ty trong quý 4 và cả năm 2021 hoạt động ổn định và hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục ký được hợp đồng với mức tương đối cao cho một số tàu hàng khô và tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp kiểm soát chi phí, đặc biệt là các chi phí lớn như sửa chữa, nhiên liệu, phụ tùng…
Cùng ngành, nguồn hàng vận chuyển ổn định trong khi giá cước duy trì ở mức cao đã giúp lãi ròng của Dịch vụ Vận tải và Thương mại (HNX: TJC) đạt hơn 17 tỷ đồng, gấp 8.5 lần cùng kỳ và gấp 6.8 lần kế hoạch.
Top 5 doanh nghiệp logistics vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 (Đvt: Tỷ đồng)
Tương tự, ngành phân bón cũng ghi nhận tăng trưởng vượt trội đa phần nhờ trợ lực từ giá cả. Giá phân bón trên thị trường, đặc biệt là các loại phân đơn như urea đã liên tiếp tăng từ cuối quý 1/2021 và lập đỉnh lịch sử trong tháng cuối năm khi chạm ngưỡng 1,000 USD/tấn (giá FOB).
Nhờ lực đẩy từ giá cả, các doanh nghiệp ngành phân bón báo mức lãi ấn tượng: tổng lãi ròng tăng gấp 49 lần so với kết quả năm 2020. Trong đó, có 4 đại diện đứng top 20 doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận cao nhất trong năm 2021 là DCM, DPM, SFG và PCE.
2 ông lớn trong ngành là Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) cùng báo lãi cao kỷ lục, lần lượt vượt gấp gần 10 lần và 9 lần mục tiêu lợi nhuận đề ra trước đó.
Song song kết quả kinh doanh vượt trội, giá cổ phiếu doanh nghiệp phân bón cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực trong năm. Diễn biến giá cổ phiếu nhóm này có xu hướng tăng trưởng khá tương đồng nhau, đồng loạt tăng hơn 2.5 lần.
Diễn biến giá cổ phiếu nhóm phân bón trong năm 2021
Dễ dàng vượt mục tiêu do kế hoạch “nhạt nhòa”
Đại diện ngành xây dựng và bất động sản, nhờ thanh lý các khoản đầu tư, bán các khoản đầu tư trong danh mục chứng khoán kinh doanh giúp lợi nhuận của Louis Capital (HOSE: TGG) quý cuối năm tăng mạnh so với cùng kỳ. Kết quả, TGG thu về gần 92 tỷ đồng lãi ròng trong khi năm 2020 lỗ gần 44 tỷ đồng.
Do thua lỗ ở năm trước nên TGG chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận vỏn vẹn 2 tỷ đồng và nhờ đó đã vượt gấp gần 50 lần mục tiêu lãi sau thuế được cổ đông giao phó.
Tương tự, CTCP Đầu tư DNA (HNX: KSD) đại diện ngành sản xuất thiết bị điện cũng chỉ đặt kế hoạch thấp (lãi sau thuế 1.5 tỷ đồng) vì kết quả làm ăn bết bát năm 2020 (thua lỗ hơn 7 tỷ đồng). Nhờ đẩy mạnh doanh số bán hàng và doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh (thực hiện chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Vật liệu - Xây dựng Hải Phòng) đã giúp KSD thu về hơn 19 tỷ đồng lãi ròng (gấp gần 13 lần kế hoạch).
Top 20 doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận 2021 (Đvt: Tỷ đồng)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận