Gắn nhãn “thao túng tiền tệ”: Một đạo luật khắc nghiệt
Tháng 5-2020, dựa trên quy tắc mới xem định giá thấp tiền tệ là một hình thức trợ cấp gây cạnh tranh không công bằng, United Steelworkers đã nộp đơn kiến nghị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với lốp xe từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Thao túng tiền tệ (currency manipulation) là vấn đề chính thức được luật pháp Mỹ đưa thành đạo luật vào năm 1988, qua đó yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ (United States Department of the Treasury) theo dõi và báo cáo hàng năm về tình hình tỷ giá hối đoái giữa Mỹ và những đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Và nếu phát hiện ra quốc gia nào đang thao túng tiền tệ, đạo luật yêu cầu đại diện Bộ Tài chính sẽ thương lượng loại bỏ việc thao túng để tạo nên lợi thế cạnh tranh, dẫn đến trao đổi thương mại không công bằng đối với Mỹ.
Năm 2015, Đạo luật về Tạo thuận lợi và Thực thi Thương mại (The Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2015) ban hành cho thấy một mức độ quan tâm cao hơn đối với vấn đề thương mại không công bằng của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ được yêu cầu chi tiết hơn trong công tác báo cáo cũng như trong hành động để giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ gây ra tổn thương cho doanh nghiệp nội địa Mỹ.
Vì vậy mà Bộ Tài chính Mỹ đã phát hiện và công bố danh sách giám sát những quốc gia tiềm tàng khả năng thao túng tiền tệ. Theo danh sách mới nhất được công bố vào tháng 1 - 2020, các quốc gia cần được theo dõi ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Đức, Italia, Ireland, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thụy Sĩ.
Vào năm 2015, Quốc hội Mỹ cũng đã ban hành những nguyên tắc, mục tiêu trong đàm phán thương mại cho Cục Xúc tiến Thương mại Mỹ, đồng thời trao cho Tổng thống Mỹ quyền được can thiệp vào một số hiệp định thương mại trong những trường hợp được xem là cần thiết và khẩn cấp. Đây chính là nền tảng cho những hành động quyết liệt của Chính quyền Trump sau này.
Và tên tuổi Tổng thống Trump gắn chặt với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xoay quanh vấn đề thương mại không công bằng giữa hai quốc gia. Chính quyền Trump đã đưa vấn đề tỷ giá hối đoái trở thành một phần của đàm phán thương mại chính thức trong luật pháp Mỹ. Ngày 1-7-2020 vừa qua, những điều khoản về tỷ giá hối đoái đã hiện hữu và hiệu lực trong Hiệp định USMCA (Hiệp định thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada).
Trước đây, Mỹ đã nhiều lần có ý định muốn đưa vấn đề về thao túng tiền tệ vào luật pháp để loại trừ cạnh tranh không công bằng, tuy nhiên quan ngại chủ yếu nằm ở sự tương thích giữa luật pháp Mỹ và các nghĩa vụ với WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới).
Nhưng dưới thời của Tổng thống Trump, những vấn đề này nhanh chóng được dẹp bỏ bằng cách ban hành một quy định mới, theo đó các quốc gia có đồng tiền bị định giá thấp sẽ được coi là một khoản trợ cấp có lợi cho các doanh nghiệp nước đó.
Và chính thức kể từ ngày 6-4-2020, luật mới của Mỹ cho phép các công ty Mỹ được phép nộp đơn khiếu nại lên Chính phủ Mỹ nhằm đạt được một biện pháp khắc chế thương mại không công bằng, như là một kiểu thuế đối kháng với sự trợ cấp.
Trong năm 2019, một vài quốc gia trong danh sách theo dõi đã bị chỉ trích, trong đó nổi bật là Trung Quốc. Tháng 8-2019, Trung Quốc đã từng bị Bộ Tài chính Mỹ xếp loại là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ giảm giá 1,9% xuống mức thấp kỷ lục.
Nhưng sau đó vào tháng 1-2020, Trung Quốc đã được gỡ bỏ khỏi cáo buộc thao túng nhờ vào những cam kết sẽ kiềm chế cạnh tranh kiểu bán phá giá, không sử dụng tỷ giá hối đoái với mục đích tạo lợi thế cạnh tranh, đồng thời cam kết thêm những điều khoản thương mại khác đi kèm trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.
Đó cũng là lý do vì sao từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã mua thêm nhiều hàng hóa từ Mỹ. Thí dụ đầu tháng 5, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu 40.200 tấn thịt lợn của Mỹ; hay ngày 14-7-2020, Trung Quốc đã mua 1.762 triệu tấn bắp Mỹ, đây là mức nhập khẩu cao kỷ lục.
Vào ngày 25-8-2020, Bộ Tài chính Mỹ đã gửi đánh giá đến Bộ Thương mại nước này, qua đó xác định Việt Nam đã cố tình định giá thấp VNĐ khoảng 4,7% so với đồng USD trong năm 2019.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện mua ròng khoảng 22 tỷ USD ngoại hối vào năm 2019, khiến cho VNĐ bị định giá thấp đi khoảng 4,2-5,2% so với USD và làm giảm tỷ giá hối đoái thực của Việt Nam khoảng 3,5-4,8%.
Hiện tại, đánh giá này trước mắt có thể dẫn đến nguy cơ bị áp thuế đối với mặt hàng lốp xe của Việt Nam. Nếu thực sự việc này xảy ra, hàng loạt mặt hàng khác của Việt Nam cũng khó tránh khỏi nguy cơ bị trừng phạt thuế tương tự.
7 tháng đầu năm 2020, số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam liên tục gia tăng thặng dư thương mại với Mỹ, như vậy nếu vụ việc đầu tiên về thao túng tiền tệ đối với Mỹ không được giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Do đó, trước mắt công tác đàm phán và sự chủ động tìm biện pháp phòng tránh việc áp thuế bị lan tỏa ra những mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu Việt-Mỹ, cũng như gỡ khó cho ngành hàng lốp xe Việt Nam.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay