menu
Gần chạm mốc 10 tỷ USD, xuất khẩu gỗ giảm trong tháng 7
Thủy Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gần chạm mốc 10 tỷ USD, xuất khẩu gỗ giảm trong tháng 7

7 tháng năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về hơn 9,7 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về gần 10 tỷ USD. Song, thế mạnh Việt này bất ngờ rơi vào tình huống chưa từng có, đơn hàng từ các thị trường lớn đều sụt giảm mạnh.

Đà tăng trưởng chững lại

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 7 năm nay chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, đây cũng là tháng đầu tiên ngành ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp), gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường chính.

xk-go-2446-1659674059.png data-natural-width640

Xuất khẩu gỗ 7 tháng đầu năm tăng 1,2%. Ảnh: VNN

Song, từ đầu năm nay đến nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ ghi nhận tăng mạnh ở thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Thị trường EU có mức tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng thị trường Mỹ chiếm tới trên 60% thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm, chỉ đạt 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 7 tháng năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về hơn 9,7 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà tăng trưởng của ngành này đang có dấu hiệu chững lại, đây được xem là tình huống hiếm khi xảy ra. Bởi, hơn 20 năm nay, xuất khẩu thế mạnh Việt Nam này luôn duy trì mức tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu từ con số 219 triệu USD năm 2000 tăng lên 11,3 tỷ USD năm 2019.

Trong hai năm 2020 và 2021, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm hoạt động sản xuất của ngành này gần như “đóng băng”, song xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn thu về lần lượt là 13 và 15,8 tỷ USD - mức tăng trưởng không ngành nào có được.

Đến nay, gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng duy nhất của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt 10 tỷ USD/năm, đồng thời ghi nhận xuất siêu cao nhất của ngành nông nghiệp. Song những tháng giữa năm 2022, bức tranh xuất khẩu của ngành này có phần ảm đạm.

Đơn hàng sụt giảm mạnh

Về thị trường xuất khẩu, khảo sát nhanh 51 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends cho thấy kết quả không mấy khả quan.

Cụ thể, tại thị trường Mỹ có 32/45 doanh nghiệp cho biết doanh thu xuất khẩu trong quý 2 đã giảm, mức giảm bình quân gần 39,6% so với các tháng đầu năm nay.

Xu hướng tương tự cũng xảy ra tại thị trường EU. Có 24/38 doanh nghiệp xác nhận sự sụt giảm doanh thu trong quý II. Mức sụt giảm bình quân là 42% so với các tháng trước đó. Có 4 doanh nghiệp ghi nhận tăng, 11 doanh nghiệp không phản hồi.

Ở các thị trường khác, tỷ lệ doanh nghiệp xác nhận doanh thu xuất khẩu sụt giảm chiếm tỷ lệ áp đảo. Mức sụt giảm từ 22,15-41% so với các tháng trước đó.

Không chỉ vậy, chuyên gia của Forest Trends Tô Xuân Phúc còn cho biết, có tới 71% các doanh nghiệp tham gia khác sát xác nhận đơn hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản từ nay đến cuối năm sụt giảm mạnh. Ngoài ra, có khoảng 44% doanh nghiệp dự báo doanh thu năm nay sẽ giảm 40%.

Đây cũng là tình huống hiếm khi xảy ra, bởi hai năm qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đơn đặt hàng vẫn đổ về dồn dập, doanh nghiệp luôn phải tăng công suất để trả nợ đơn hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào...

Để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp đang tiến hành nhiều biện pháp như giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường,... ông Phúc chỉ rõ.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá gỗ nguyên liệu tăng cao, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. Trong khi các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ.

Thị trường xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đảm, ông Lập nhìn nhận.

Phía Hiệp hội đề nghị các ngân hàng có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại như giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần giảm một số loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ.

Khi đề cập đến nguồn nguyên liệu, ông Lập cho rằng, bài toán đặt ra là làm thế nào chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 mỗi năm như hiện nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả