Gần 52.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành năm 2022
Nếu so với cùng kỳ năm 2021, số lượng phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã sụt giảm gần 76%. Năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó lượng trái phiếu bất động sản là hơn 119.000 tỷ đồng...
Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), cho thấy trong năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước, chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 247.976 tỷ đồng, giảm 65%, chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành.
Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua đạt 258.575 tỷ đồng.
Cũng theo dữ liệu tổng hợp của VBMA, trong năm 2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty Cổ phần Tập Đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 65% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 66%.
Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.
Trong khi đó, nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. So với cùng kỳ năm 2021 ghi nhận hơn 214.000 tỷ đồng, lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%.
Trong năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 210.573 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 12, tính đến thời điểm 30/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng là 39.542 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ tháng 12/2021.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn.
Trong một diễn biến liên quan, tại Nghị quyết 01 vừa được Thủ tướng ban hành, Chính phủ cho biết sẽ quyết tâm cơ cấu lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Việc lành mạnh hoá, phát triển an toàn, bền vững các thị trường này được coi là yếu tố giúp tăng nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận