FPT Retail: Vay nợ nhảy lên hơn 6.000 tỷ đồng, nợ người lao động vọt hơn 408 tỷ đồng
Năm 2021 FPT Retail đã vay mới gần 15.000 tỷ đồng và trả được gốc gần 11.423 tỷ đồng. Cuối năm 2021, FPT Retail có số dư vay nợ ngắn hạn tăng 143% so với đầu năm và phải trả người lao động 408,6 tỷ đồng.
Long Châu kết thúc chuỗi ngày lỗ, FPT Retail tham vọng lãi tăng vọt năm 2022
Theo đó, năm 2021, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần 22.495 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 443,9 tỷ đồng, bằng 44 lần so với thực hiện trong năm 2020.
Giải trình kết quả kinh doanh năm 2021 tăng đột biến FPT Retail cho biết, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất đạt gần 444 tỷ đồng, tăng thêm 433 tỷ đồng, gấp gần 44 lần so với năm 2020 do chủ yếu lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính riêng tăng đạt 440 tỷ đồng.
Đồng thời, Công ty con Long Châu có lãi nhẹ trong năm 2021 thay vì lỗ như trong năm 2020. Năm 2021, doanh thu của Long Châu đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2020 do mở thêm 200 cửa hàng mới, và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên trong năm 2021.
Đối với công ty mẹ, năm 2021 lợi nhuận tăng gấp 3,5 lần so với năm 2020 lên 440 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu năm 2021 tăng nhờ nhu cầu tiêu dùng Laptop phục vụ học tập và làm việc tăng cao trong nửa cuối năm 2021; đồng thời trong quý IV/2021, ngành hàng Apple mở bán thành công iPhone 13 series và Macbook Pro 2021.
Với kết quả nói trên, FPT Retail hoàn thành 138% kế hoạch doanh thu và 462% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2021. Trước đó, năm 2019 và năm 2020, công ty này chỉ hoàn thành lần lượt 51% và 14% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Năm 2021 thắng lớn, FPT Retail đặt mục tiêu kinh doanh trong năm 2022 với doanh thu tăng 20% so với 2021, đạt 27.000 tỷ đồng (tăng thêm 4.505 tỷ đồng), lợi nhuận đạt 720 tỷ đồng, tăng 30% (tương ứng tăng 166 tỷ đồng) so với năm 2021.
FPT Retail vay nợ tăng chóng mặt, nợ người lao động hơn 408 tỷ đồng
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của FPT Retail cũng gấp đôi năm 2020 lên 10.786 tỷ đồng (năm 2020 là 5.388 tỷ đồng). Trong đó trữ tiền tăng mạnh lên 2.925 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng hơn 169% lên hơn 4.930 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng tài sản, tăng hơn 76% đạt mức 1.560 tỷ đồng (khoảng 15% tổng tài sản).
Ở chiều ngược lại, trên cơ cấu nguồn vốn 2 khoản phải trả tăng đột biến gồm vay nợ ngân hàng hơn 6.047 tỷ đồng, tăng 143% so với đầu năm; và phải trả người lao động 408,6 tỷ đồng (cuối năm 2020 chỉ tiêu này chỉ gần 1,6 tỷ đồng).
Thuyết minh báo cáo tài chính của FRT cho biết, trong năm 2021 FPT Reatial đã vay mới gần 15.000 tỷ đồng và trả được gốc gần 11.423 tỷ đồng. Các khoản vay nợ ngân hàng của công ty bao gồm vay bằng VNĐ và USD. Đối với các khoản vay bằng USD, FRT đang vay với lãi suất từ 1,8%/năm đến 2,67%/năm (năm 2020 mức lãi suất vay USD là từ 2,2%/năm đến 2,35%/năm). Các khoản vay bằng VND có lãi suất từ 1,9%/năm đến 4,5%/năm.
Trong cơ cấu "chủ nợ" của FPT Retail chủ yếu là các ngân hàng nước ngoài. HSBC Việt Nam cho vay cao nhất với 965 tỷ đồng. Theo sau là Standard Chartered Việt Nam với 805 tỷ đồng. Tiếp theo là HSBC Hongkong với 754 tỷ đồng.
Hiện tại, FPT Retail chỉ vay từ 2 ngân hàng trong nước, là Vietinbank (gần 500 tỷ đồng) và BIDV (155 tỷ đồng). Cuối năm ngoái, FPT Retail còn vay của Vietcombank và MB nhưng đã trả hết nợ trong năm qua.
Việc tăng vọt khoản vay nợ của FPT Retail được lý giải chủ yếu là do doanh nghiệp này mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Trong năm 2021, FPT Retail cho CTCP FPT vay tổng cộng 8.050 tỷ đồng (đã thu hồi ngay trong năm 7.375 tỷ đồng), qua đó ghi nhân 75,5 tỷ đồng lãi thu được từ cho vay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận