FPT mở rộng địa bàn ở châu Mỹ; Viglacera tìm cơ hội ở vùng Caribe; Novaland hoán đổi nợ
Viglacera sẽ đến Dominica; FPT mua mảng dịch vụ công nghệ một công ty Mỹ; Vietjet thêm tàu bay A330, khám phá xứ sở kangaroo; BAF hợp tác đầu tư cùng IFC; Novaland đạt thỏa thuận hoán đổi nợ.
Novaland đạt thỏa thuận hoán đổi nợ với đối tác nước ngoài
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) thông báo đã thỏa thuận phát hành cho Dallas Vietnam Gamma Ltd một số trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu không chuyển đổi và chứng quyền mua cổ phần phổ thông của Công ty.
Novaland cho biết sẽ tái cấu trúc tạo nguồn vốn mới cho hoạt động kinh doanh, sẵn sàng thảo luận, thống nhất các giải pháp để hài hòa được lợi ích của các bên liên quan. |
Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, Novaland cho biết đã đàm phán và đạt thỏa thuận với nhà đầu tư về việc giảm số lượng trái phiếu và chứng quyền đang lưu hành thông qua một thỏa thuận hoán đổi.
Theo thỏa thuận này, nhà đầu tư sẽ nhận một phần vốn góp/cổ phần (phần vốn hoán đổi) trong hai công ty thành viên của Novaland là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn và CTCP Đầu tư Tổng hợp Mũi Né để đổi lấy việc hủy bỏ một số lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng. Các biện pháp bảo đảm liên quan đến trái phiếu và chứng quyền được hủy bỏ sẽ được giải chấp hoàn toàn.
Đồng thời, Novaland có quyền chia sẻ một số lợi ích từ phần vốn hoán đổi và được quyền chọn mua lại phần vốn hoán đổi khi điều kiện tài chính của Novaland cho phép.
Trước đó, trong tâm thư được ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland gửi các bên cho vay, trong đó có các tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước vào ngày 24/02/2022, Novaland cho biết đã và đang thực hiện tất cả các biện pháp có thể để thực hiện nghĩa vụ của mình với trái chủ của lô trái phiếu phát hành trong nước thời gian qua.
Theo đó, đối với lô trái phiếu NVLH2224005, Công ty vẫn đang thu xếp nguồn tiền để thanh toán phần lãi đến hạn. Với lô trái phiếu NVLH2123009, Công ty đã thanh toán đầy đủ phần lãi đến hạn và đề xuất các phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoàn đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản (BĐS) do Công ty đang đầu tư và phát triển.
Về việc thực hiện bổ sung tài sản bảo đảm, NVL đã thỏa thuận với các bên cho vay và đã tiến hành thương lượng việc bổ sung tài sản bảo đảm trong thời gian vừa qua.
Nhìn chung, ông Nhơn cho biết Novaland đã có kế hoạch tái cấu trúc toàn diện. Dưới sự tư vấn của nhiều đối tác trong và ngoài nước, Công ty đã xây dựng lại quy trình, hệ thống, kiểm soát rủi ro, tính tuân thủ đều theo chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Novaland cam kết sẽ hành động đồng bộ để tái khởi động các dự án, tháo gỡ pháp lý cho các dự án, hoàn thiện xây dựng để bàn giao nhà cho khách hàng. Đồng thời, Công ty sẽ tái cấu trúc tạo nguồn vốn mới cho hoạt động kinh doanh, sẵn sàng thảo luận, thống nhất các giải pháp để hài hòa được lợi ích của các bên liên quan.
BAF ký kết hợp tác đầu tư cùng IFC, nhận gói tài trợ 900 tỷ đồng
Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và CTCP Nông Nghiệp BaF Việt Nam đã công bố đối tác chiến lược và ký kết các hợp đồng đầu tư.
IFC sẽ cung cấp gói tài trợ tổng cộng 900 tỷ đồng, tương đương 39 triệu USD, cho BAF. |
Trước đó, vào ngày 20/02/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chấp thuận hồ sơ chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của BAF. Đây là một trong những thủ tục cuối cùng để hoàn thành gói đầu tư của IFC vào BAF.
IFC sẽ cung cấp gói tài trợ tổng cộng 900 tỷ đồng, tương đương 39 triệu USD, cho BAF. Trong đó, theo BAF công bố, khoản tài trợ gồm tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (convertible bond) và 300 tỷ đồng trái phiếu cao cấp (senior bond) cho BAF. HĐQT BAF cũng phê duyệt phương án sử dụng vốn góp thế chấp là toàn bộ cổ phiếu phổ thông mà BAF đang sở hữu tại CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh, và vốn góp đang sở hữu tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại Xanh 2 để đảm bảo cho lô trái phiếu.
Gói tài trợ sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng các trang trại chăn nuôi và di truyền vốn nằm trong kế hoạch xây dựng của BAF, cùng việc phát triển các nhà máy thức ăn chăn nuôi và các nhà máy giết mổ chế biến thịt sạch.
IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), là định chế toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân tại các quốc gia đang phát triển.
Tại Việt Nam, BAF nằm trong số những công ty chăn nuôi đã có danh tiếng, áp dụng mô hình sản xuất sạch 3F (Feed-Farm-Food). Tính đến thời điểm hiện tại, BAF sở hữu 23 trang trại với tổng đàn lên đến 200,000 đầu heo; 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi - công suất 260 ngàn tấn/năm, được cấp chứng nhận quốc tế về chăn nuôi và quản lý thực phẩm; chuỗi phân phối thực phẩm với khoảng 60 cửa hàng Sibafood và 300 Meat Shop.
Vietjet thêm tàu bay A330, khám phá xứ sở kangaroo
Đây là 'chim sẻ mập' tàu bay A330 thứ 5 của Vietjet. Với thiết kế thân rộng cùng sức chứa 377 chỗ ngồi, tàu bay A330 được mệnh danh là "chim sẻ mập" của bầu trời, đã sẵn sàng để phục vụ hành khách trên các chuyến bay khám phá những miền đất mới ở khu vực và thế giới như Úc, Kazakhstan, Nhật Bản, Hàn Quốc và xa hơn tới châu Âu.
Đây là tàu bay A330 thứ 5 của Vietjet. |
Bên cạnh đó, tàu bay A330 của Vietjet khai thác độc quyền hạng vé SkyBoss Business - phong cách người dẫn đầu với khoang riêng và ghế nằm phẳng, không gian riêng để làm việc nghỉ ngơi, thực đơn organic đa dạng lựa chọn món ăn nóng tươi ngon cùng nhiều chương trình giải trí nghệ thuật đặc sắc trên độ cao 10.000m.
Trước đó Vietjet đã khai trương các chuyến bay thẳng đầu tiên kết nối TP.HCM và thành phố Melbourne (Úc), sân bay Tullamarine sẽ khai thác từ ngày 8/4/2023 với tần suất 6 chuyến/tuần: từ TP.HCM đến Melbourne vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy cất cánh lúc 10h55 sáng và hạ cánh 22h35 (giờ địa phương).
Các chuyến ngược lại từ Melbourne về TP.HCM các ngày chủ nhật, thứ tư, thứ sáu cất cánh lúc 00h30 và hạ cánh lúc 6h30 sáng (giờ địa phương).
Đại diện Hãng hàng không Vietjet cho biết sẽ tiếp tục mở rộng chuyến bay đến các thành phố Sydney, Brisbane, Darwin, Adelaide trong năm nay, qua đó Vietjet mong muốn sẽ mang Úc đến gần hơn với người Việt Nam, giúp tăng nhu cầu đầu tư kinh doanh, du học, du lịch tại xứ sở kangaroo này.
FPT mua mảng dịch vụ công nghệ một công ty Mỹ
Tập đoàn FPT vừa mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ (IT Services) của Intertec International, Mỹ. Thương vụ giúp FPT mở rộng địa bàn tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Đây cũng là 3 nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.
Tập đoàn FPT vừa mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ (IT Services) của Intertec International, Mỹ. |
Theo đó, cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập sẽ giúp hai bên đồng hành cùng khách hàng nhanh hơn ở mọi múi giờ, địa điểm và khai thác tối đa cơ hội từ thị trường các nước nói tiếng Anh. Doanh nghiệp đồng thời nâng cao hơn năng lực đáp ứng chất lượng sản phẩm, giải pháp trên mảng phần mềm linh hoạt (Agile Software) cho khách hàng.
Chia sẻ về thương vụ sáp nhập, Tổng giám đốc Intertec International, Rickard Hedeby cho biết: "Kết hợp nguồn lực của cả hai bên, chúng tôi có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho các khách hàng và đa dạng cơ hội nghề nghiệp cho nhân lực công nghệ".
Về phía FPT, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho hay: "Mỗi thương vụ M&A đều mang đến những 'quả ngọt' cho tập đoàn. Chúng tôi kỳ vọng thương vụ này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của FPT trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường các nước nói tiếng Anh".
Giám đốc FPT Americas - chi nhánh FPT Software (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) - ông Đặng Trần Phương cho biết thêm, thỏa thuận này là bước tiến quan trọng sau thời gian hợp tác thành công giữa hai bên từ năm 2021.
"Chúng tôi đồng hành cùng các nhu cầu phát triển của khách hàng để đối mặt với những khó khăn của kinh tế thế giới, qua mô hình kết hợp nhiều trung tâm sản xuất và văn phòng công nghệ toàn cầu, giúp khách hàng đẩy nhanh tốc độ đem sản phẩm, giải pháp ra thị trường và hỗ trợ 24/7", ông Phương nói.
Trước đó, năm 2021, FPT đã có khoản đầu tư ban đầu vào Intertec. Sau gần hai năm hợp tác, hai doanh nghiệp đã mang đến cho khách hàng trải nghiệm toàn diện: từ tư vấn, thiết kế đến xây dựng hệ thống, sáng tạo giải pháp công nghệ "may đo" theo nhu cầu, cũng như cung ứng hỗ trợ công nghệ 24/7.
Viglacera sẽ khảo sát lập phương án đầu tư tại Dominica
Thông tin được đưa ra trong cuộc làm việc giữa Viglacera và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất (MIU), do Tổng Bí thư Miguel Mejia, Bộ trưởng Chính sách hội nhập khu vực Cộng hòa Dominicana tại Tổng công ty Viglacera.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera chụp ảnh cùng Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dominicana Jaime Francisco Rodríguez. |
Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera nhấn mạnh: “Trong thời gian tới TCT sẽ cử đoàn khảo sát lập phương án đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư để đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư khu công nghiệp tại Dominica”.
Như vậy, Dominica sẽ là điểm đầu tư nước ngoài thứ hai của Viglacera sau Cuba.
Trong thời gian tới, với sự quan tâm từ phía lãnh đạo cấp cao Cộng hòa Dominicana, ông Tuấn bày tỏ kỳ vọng sẽ có những hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp của Dominica và Việt Nam trong phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong khuôn khổ chuyến thăm này, nhằm tìm hiểu sâu hơn và trực quan nhất về hoạt động sản xuất kinh doanh của Viglacera, đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Dominicana đã đi thăm tại các nhà máy trong lĩnh vực Gạch ốp lát, Sứ vệ sinh, Kính xây dựng và Khu công nghiệp của Viglacera.
Tổng Bí thư Dominicana Miguel Mejia cũng tin tưởng với năng lực và kinh nghiệm đã có từ các dự án đầu tư tại Cuba, Viglacera sẽ có nhiều cơ hội thành công tại thị trường Dominica cũng như các nước trong khu vực Caribe. Chính phủ Dominicana sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam - Dominica, tạo nền tảng cho sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai Nhà nước trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận