FMC - Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn
Bất chấp khó khăn do Covid-19, hoạt động xuất khẩu tôm vẫn khá lạc quan trong những tháng vừa qua. CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) được đánh giá là doanh nghiệp có nhiều tiềm năng trong mảng này.
Đón đầu cơ hội tăng trưởng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục sau đợt giảm liên tục từ đầu năm do tác động của dịch Covid-19. Xuất khẩu tôm tăng trưởng 2 con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28% đạt 395 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3.5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3.85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.
Do dịch Covid-19 vẫn căng thẳng trên thế giới nên xu hướng tiêu thụ tại các thị trường vẫn tập trung vào tôm chân trắng, size cỡ nhỏ cho phân khúc bán lẻ. Do vậy, xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 72% giá trị xuất khẩu tôm trong năm nay, ước đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2020, trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển chiếm 12% đạt 462 triệu USD.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành tôm Việt Nam vì EU là thị trường lớn thứ 4 của xuất khẩu tôm. Một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU có mức thuế là 12 - 20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh. Sau 5 - 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam như đơn giản hóa một số thủ tục giấy tờ, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường nhờ ưu đãi về thuế quan...
EVFTA là động lực phát triển trong tương lai của FMC
Hiện tại, EU chiếm khoảng 29% trong tỷ trọng xuất khẩu của FMC. Hiệp định EVFTA đưa thuế xuất khẩu của các mặt hàng tôm nguyên liệu và tôm chế biến về 0% theo lộ trình sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, từ đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh đồng thời mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu cho FMC vào thị trường EU.
Để nắm bắt cơ hội từ EVFTA, FMC đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy Thủy Sản Sao Ta tại Sóc Trăng, dự kiến sẽ hoạt động với công suất 15,000 tấn/năm và kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 200 - 250 tỉ đồng. FMC đầu tư nhà máy mới nhằm mục tiêu mở rộng quy mô kinh doanh tôm gồm tiếp tục mở rộng vùng nuôi theo chỉ tiêu đã có, xây dựng thêm nhà máy chế biến tôm cao cấp với thị trường chiến lược là EU. Để tài trợ dự án này, Công ty có kế hoạch phát hành hơn 9.8 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu trong năm 2020 hoặc cho đến trước khi Đại Hội Đồng Cổ Đông thường niên năm 2021 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Ngoài ra, đầu năm 2020, kho lạnh 6,000 tấn của Công ty cũng đã đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ chủ động hơn trong công tác quản lý hàng tồn kho và tiết giảm chi phí lưu trữ. Kho lạnh này được đặt tại Khu công nghiệp An Nghiệp, nâng tổng công suất kho lạnh của FMC lên 10,000 tấn.
Kết quả hoạt động kinh doanh của FMC
Giai đoạn 2014-2019, kết quả kinh doanh của FMC tăng trưởng khá ổn định. Dù doanh thu năm 2019 giảm nhẹ 2.55% đạt 3,710 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng lại ghi nhận tăng 27.78% đạt 230 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được nhờ nuôi tôm trúng cả 2 vụ và Công ty còn được miễn tiền thuế do nuôi trồng tại địa bàn thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, FMC ghi nhận doanh thu thuần tăng 17% so với cùng kỳ, đạt gần 3,206 tỷ đồng với hơn 3,115 đến từ bán thủy sản và 91 tỷ đồng bán hàng nông sản. Ngược lại, lãi ròng giảm nhẹ 3.42% so với cùng kỳ, xuống còn 162 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, FMC đặc biệt chú ý việc mở rộng vùng nguyên liệu. Trước đây, FMC có vùng nuôi tôm riêng rộng 160 hecta và đã đầu tư thêm vùng nuôi tôm mới kế bên vùng nuôi cũ tại xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Vùng này đã hoàn thành và bắt đầu thả nuôi từ quý 2/2020. Ngoài ra, FMC còn có hàng trăm hecta hợp tác với nông dân để gieo trồng nông sản phục vụ chế biến xuất khẩu.
Định giá cổ phiếu
FMC đang nằm ở top đầu trong mảng xuất khẩu tôm ở Việt Nam. Vì vậy, nếu chỉ sử dụng các cổ phiếu nội địa đang giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM làm mẫu so sánh ngang để định giá FMC sẽ không được hợp lý và toàn diện.
Người viết sử dụng thêm các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới có mức vốn hóa thị trường bằng hoặc lớn hơn FMC để làm cơ sở tính giá trị hợp lý của cổ phiếu. Để đảm bảo tính phù hợp, các doanh nghiệp được chọn từ các quốc gia nằm trong khu vực châu Á (Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia).
Với tỷ trọng tương đương giữa các phương pháp P/E, P/B, DDM và RIM chúng ta tính được mức định giá hợp lý của FMC là 40,768 đồng.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể canh mua cho mục tiêu đầu tư dài hạn nếu giá cổ phiếu rớt xuống dưới mức 32,600 (chiết khấu khoảng 20% so với giá trị định giá).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận