First Republic Bank bị buộc “bán mình” cho JPMorgan Chase
Dù nhận được trợ giúp, nhưng First Republic Bank vẫn phải “bán mình” cho JPMorgan Chase và 84 chi nhánh của ngân hàng này ở 8 tiểu bang sẽ mở cửa trở lại, với tư cách là chi nhánh của JPMorgan Chase.
Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng khủng hoảng ngân hàng tiếp tục diễn ra ở Mỹ, vào ngày 1/5, các cơ quan quản lý đã nắm quyền kiểm soát First Republic Bank và bán tất cả các khoản tiền gửi, cũng như phần lớn tài sản của ngân hàng này cho JPMorgan Chase.
First Republic Bank có trụ sở tại San Francisco và là ngân hàng hạng trung thứ ba phá sản trong hai tháng trở lại đây. Đồng thời là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ sau Washington Mutual, đã sụp đổ ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cũng được JPMorgan tiếp quản.
Nhà băng này đã thực sự gặp khó khăn kể từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Signnature Bank vào tháng 3. Các nhà đầu tư và người gửi tiền ngày càng lo lắng về số lượng tiền gửi không được bảo hiểm cao và khả năng cho vay lãi suất thấp.
Cùng ngày, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết, 84 chi nhánh của First Republic Bank ở 8 tiểu bang sẽ mở cửa trở lại, với tư cách là chi nhánh của JPMorgan Chase. Các cơ quan quản lý đã làm việc trong suốt cuối tuần để tìm ra giải pháp trước khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa, trong khi thị trường ở nhiều nơi trên thế giới đang đóng cửa nghỉ lễ quốc tế lao động vào 1/5. Riêng hai thị trường ở châu Á mở cửa là Tokyo và Sydney đều tăng giá. “Tính đến ngày 13/4, First Republic Bank có khoảng 229 tỷ USD tổng tài sản và 104 tỷ USD tổng tiền gửi”, FDIC thông tin.
Vào ngày 28/4, giá cổ phiếu của ngân hàng First Republic Bank tiếp tục lao dốc trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán về tương lai mờ mịt của ngân hàng sau khi lượng tiền gửi giảm mạnh. Giá cổ phiếu của First Republic Bank đóng cửa phiên ở mức 3,51 USD, giảm 43% sau khi có thời điểm mất hơn 50% trong phiên và nhiều lần ngừng giao dịch do biến động quá mạnh. Giá trị vốn hóa thị trường khi đó chỉ khoảng 654 triệu USD, mức sụt giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao là tháng 11/2021 khi ngân hàng này có vốn hóa hơn 40 tỷ USD.
Theo SCMP, Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase chia sẻ: “Chính phủ đã mời chúng tôi tham gia vào việc tiếp quản này và chúng tôi cũng đồng ý làm như vậy”.
Vào cuối năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã xếp First Republic Bank ở vị trí thứ 14 về quy mô trong số các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ. FDIC ước tính quỹ bảo hiểm tiền gửi của họ sẽ thiệt hại 13 tỷ đô la Mỹ từ việc tiếp quản First Republic Bank. Trước đó, việc giải cứu Ngân hàng Thung lũng Silicon đã tiêu tốn của quỹ số tiền kỷ lục 20 tỷ đô la Mỹ.
Trước khi Ngân hàng Thung lũng Silicon thất bại, First Republic Bank đã từng là một ngân hàng có tiếng tăm trong ngành. Khách hàng của First Republic Bank chủ yếu là những người giàu có và quyền lực, hiếm khi vỡ nợ đối với các khoản vay của họ. Ngân hàng cũng kiếm được phần lớn tiền từ việc cho vay với chi phí thấp, trong đó bao gồm cả Giám đốc điều hành Meta Platforms - Mark Zuckerberg.
Thật khó để tái cấu trúc bảng cân đối kế toán khi một công ty phải nhanh chóng bán bớt tài sản và có ít nhân viên hơn để tìm kiếm cơ hội thoát khỏi sự sụp đổ.
Khi có quá nhiều tiền gửi từ những người giàu có, First Republic Bank đã chứng kiến tổng tài sản tăng hơn gấp đôi so với 102 tỷ USD vào cuối quý 1/2019 và số lượng nhân viên toàn thời gian của họ là 4.600 người. Nhưng phần lớn các khoản tiền gửi này giống như ở ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature không được bảo hiểm – nghĩa là vượt quá giới hạn 250.000 đô la Mỹ do FDIC đặt ra. Điều đó khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư lo lắng. Nếu First Republic Bank thất bại, những người gửi tiền có thể không lấy lại được toàn bộ số tiền của họ.
Những lo ngại đó đã được thể hiện trong kết quả hàng quý gần đây. Ngân hàng cho biết những người gửi tiền đã rút hơn 100 tỷ đô la Mỹ ra nhà băng trong cuộc khủng hoảng hồi tháng 4. Sau đó, ngân hàng này cho biết họ có thể giữ ổn định sau khi một nhóm các ngân hàng lớn can thiệp để giải cứu với số tiền 30 tỷ USD.
Thực tế trước đó, First Republic Bank đã tìm cách nhanh chóng xoay chuyển tình thế, bằng việc lên kế hoạch bán bớt các tài sản không sinh lời, bao gồm cả các khoản thế chấp lãi suất thấp mà nó cung cấp cho các khách hàng giàu có. Đồng thời sa thải ¼ lực lượng lao động để giảm gánh nặng chi phí.
Một chuyên gia tài chính đánh giá, thật khó để tái cấu trúc bảng cân đối kế toán khi một công ty phải nhanh chóng bán bớt tài sản và có ít nhân viên hơn để tìm kiếm cơ hội thoát khỏi sự sụp đổ. Phải mất nhiều năm để các ngân hàng như Citigroup và Bank of America có lãi trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước, và những ngân hàng đó được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Chính phủ để giúp họ tiếp tục hoạt động đến ngày nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận