Một số thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã thực tế một điểm thanh toán điện tử của ví MoMo để xây dựng khung chính sách Fintech - Ảnh: Thy Trường
Số liệu thống kê cho thấy, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần gấp bốn lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 200 công ty ở thời điểm hiện tại. Trong đó hiện có 38 đơn vị được NHNN cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Bởi vậy hầu hết các công ty fintech (công nghệ tài chính) đều mong muốn nhà nước sớm có khuôn khổ chính sách cho họ có thể sử dụng công nghệ cung cấp các dịch vụ tín dụng, tư vấn và quản lý tài chính…
Chia sẻ với mong muốn của các Fintech, tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Thành - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nếu muốn trở thanh một ngân hàng điện tử trong tương lại thay vì dừng lại ở một trung gian thanh toán như hiện nay, các Fintech Việt phải chứng minh cho cho xã hội thấy được khả năng sẵn sàng đáp ứng được các khoản vay nhỏ lẻ với mức độ rủi ro thấp nhất và chi phí rẻ nhất hiệu quả hơn các mô hình cho vay nhỏ lẻ đang diễn ra ngoài xã hội.
Cùng quan điểm, ông Trương Văn Phước - Thành viên chuyên trách Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra ví dụ, một người dân cần 3 triệu đồng đóng viện phí cho con lúc nửa đêm nên các ngân hàng rất khó có thể đáp ứng. Vậy các công ty fintech có giải quyết được với lãi suất hợp lý không, khi mà các công ty tài chính đang cho vay những khoản nhỏ lẻ với lãi suất 40%/năm.
Bên cạnh đó, mặc dù xã hội bao giờ cũng hoan nghênh với những cái mới, nhưng Nhà nước thì luôn phải cân nhắc lợi ích tổng thế của nền kinh tế. “Tôi từng làm Tổng giám đốc NHTM, Fintech đến cạnh tranh trực tiếp vào hai trụ cột lớn của ngân hàng là thanh toán và tín dụng. Tuy nhiên, người làm nghề phải thay đổi tư duy và người làm chính sách cũng sẵn sàng ủng hộ thay đổi những thứ đã thuộc về máu thịt của mình mới tạo ra một cách mạng công nghệ. Điều chúng ta quan tâm là một hệ thống luật lệ được xây dựng sao cho hạn chế rủi ro cho hệ thống”, ông Phước nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, hiện nay giữa cơ chế chính sách và phát triển công nghệ đang có một khoảng cách. Mặc dù, trong quá trình phát triển phải đồng bộ giữa công nghệ và cơ chế chính sách, tuy nhiên tư tưởng chủ đạo trong làm chính sách hiện nay vẫn là ngăn ngừa rủi ro cho cả nền kinh tế. Cho biết, hiện NHNN soạn thảo sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt cũng như dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ vận động một cơ chế chính sách cho các Fintech hoạt động trong môi trường kinh doanh hợp lý, hài hòa giữa các cân đối vĩ mô và phát triển công nghệ trên thị trường”.
Cùng ngày, một số thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã có cuộc khảo sát MoMo. MoMo là một ví điện tử của người Việt sáng tạo, hiện đang có trên 20 triệu người sử dụng và đang là đối tác của 25 NHTM. Với ví điện tử MoMo, người tiêu dùng có thể thực hiện thanh toán tại các siêu thị Co.opMart, các cửa hàng tiện ích và nhiều dịch vụ tiện ích khác. Đặc biệt các trường học và bệnh viện lớn ở TP.HCM hiện nay đã có thể thanh toán bằng ví điện tử MoMo. Ngoài ra, những vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, cá nhân và tổ chức hiện nay đã có thể thực hiện thanh toán phí phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia cũng có thể thanh toán bằng ví MoMo…
Một đại diện MoMo cho biết, từ đầu năm đến nay đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực vào doanh thu nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh, nhưng hoạt động thanh toán điện tử của MoMo lại phát triển do nhu cầu mua bán hàng hóa dịch vụ online tăng lên.
Hiện Ví điện tử này đang có tham vọng xây dựng một hệ thống công nghệ thực hiện quản lý dòng tiền, kết nối thanh toán điện tử cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Đồng thời, ứng dụng của ví điện tử này giới thiệu sản phẩm cho các hộ cá thể cần bán ngay trên ứng dụng MoMo. Các chuyên gia kinh tế tính toán với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước, nếu ví điện tử này kết nối một nửa trong số đó đã tạo điều kiện cho nhà nước quản lý hệ thống sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ qua một trung gian thanh toán.
Ông Nguyễn Bá Diệp – đồng sáng lập Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo kiến nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho DN đổi mới sáng tạo để các ý tưởng sáng tạo không bị lỗi thời do chậm được áp dụng. MoMo kiến nghị Chính phủ thúc đẩy và mở rộng thanh toán dịch vụ công như thanh toán thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nộp phạt vi phạm hành chính… Đồng thời thông qua hình thức không dùng tiền mặt và có cơ chế phí phù hợp.
Chia sẻ thông tin hữu ích