FiinGroup: 'Chi tiêu cho giáo dục tư nhân tăng nhanh'
Chi tiêu cho giáo dục tư nhân liên tục tăng trong hơn 5 năm qua và dư địa đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rộng mở, theo FiinGroup.
Báo cáo "Giáo dục Việt Nam: Nhu cầu giáo dục tư nhân gia tăng" do Hãng dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm FiinGroup vừa công bố cho biết chi tiêu cho giáo dục tư nhân đang tăng nhanh, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hãng dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm này cho biết số lượng học sinh tại các trường tư thục ở Việt Nam tăng 10,9% giai đoạn 2017 - 2022. Trong đó, học sinh cấp phổ thông tăng trưởng 10,4% và cấp đại học trở lên tăng 11,5%.
Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy tăng trưởng đáng kể của giáo dục tư thục. Theo đó, năm học 2023-2024, cả nước có 3.928 cơ sở giáo dục ngoài công lập (chiếm 9,5%) với 1,2 triệu học sinh, chiếm 6% số học sinh cả nước.
So với năm học 2013-2014, số cơ sở giáo dục ngoài công lập trên cả nước tăng thêm 1.286 cơ sở. Như vậy, trong thập niên qua, số cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng 3 lần.
"Chi tiêu cho ngành giáo dục tăng trưởng vững chắc, cho thấy nhận thức cao hơn và nhu cầu cao về giáo dục, đặc biệt là giáo dục tư thục, ngoại ngữ, thi tuyển sinh và hoạt động ngoại khóa", FiinGroup nhận định.
Một tiết học của học sinh ISHCMC - trường quốc tế đầu tiên ở TP HCM, thành lập năm 1993. Ảnh:ISHCMC Fanpage
Trước đó, hồi tháng 2, báo cáo tổ chức tư vấn và nghiên cứu toàn cầu về giáo dục quốc tế ISC Research (Anh) cho biết số trường quốc tế mở mới tại Việt Nam tăng 5% trong hai năm qua, ngang với Nhật Bản và thuộc top 5 thế giới.
"Nhu cầu học tập tại các trường quốc tế ở Việt Nam đang tăng lên đáng kể", ISC Research đánh giá. Nếu tính từ năm 2019, số trường quốc tế của Việt Nam tăng 42%, số học sinh tăng 30%. Tổng doanh thu của các trường tăng 58%.
Chi tiêu cho giáo dục tư nhân tăng nhanh thu hút sự quan tâm của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế muốn nắm bắt cơ hội tại thị trường đang phát triển này. Thời gian qua, có thể kể đến các trường hợp đáng chú ý như KKR đầu tư 120 triệu USD vào EQuest - đơn vị sở hữu Hệ thống Trường Quốc tế Canada (CIS) và Broward Việt Nam, hay BPEA mua VUS giá trị không tiết lộ.
Đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tư nhân được FiinGroup đánh giá là còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác nhờ cơ sở nhân khẩu học thuận lợi, thu nhập của người dân tăng và mong muốn học cao hơn.
Theo báo cáo, chi tiêu cho giáo dục chứng kiến sự tăng trưởng vững chắc khi 47% chi tiêu hộ gia đình ở các thành phố lớn là dành cho giáo dục. Trong giai đoạn 2017-2022, chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình Việt Nam tăng khoảng 7%.
Cùng với đó, dân số trong độ tuổi học trung học của Việt Nam hiện là 24,5 triệu người và dự báo tăng 0,6% cho đến năm 2030. Trong khi, tỷ lệ hiện diện của giáo dục tư nhân vẫn còn nhỏ. Ví dụ, tại Hà Nội, trường quốc tế và song ngữ năm học 2023-2024 là 69.000, chiếm chưa đến 4% tổng số học sinh thủ đô là trên 2,2 triệu. Học phí các trường quốc tế tại đây dao động 11.000-30.000 USD mỗi năm và 4.000-8.000 USD mỗi năm với trường song ngữ.
Dỹ Tùng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận