menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Xuan Hường

Fed thua lỗ lớn nhất lịch sử

Luôn có lãi trong lịch sử hơn 100 năm nhưng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên thua lỗ kể từ tháng 9-2022 và đến năm 2023, khoản lỗ lên mức cao kỷ lục 114,3 tỉ đô la.

Nguyên nhân chủ yếu do số tiền lãi mà Fed phải trả cho trái phiếu chính phủ, chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp cũng như tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tăng lên đáng kể. Đây là hậu quả của chiến dịch hỗ trợ nền kinh tế vào năm 2020 và 2021, sau đó đợt tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lạm phát.

Fed thua lỗ lớn nhất lịch sử

Hôm 12-1, Fed công bố báo cáo tài chính sơ bộ của năm 2023, ghi nhận mức lỗ hoạt động 114,3 tỉ đô la. Thua lỗ của Fed là tác dụng phụ từ những nỗ lực giải cứu nền kinh tế trong đại dịch Covid-19 bằng cách mua số lượng lớn trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp để bơm tiền vào thị trường đồng thời giúp giảm lãi suất. Giá trị thị trường của những tài sản này giảm mạnh sau khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm 2022 để chống lạm phát. Nhưng Fed chưa chính thức chốt lỗ đối với chúng vì sẽ giữ đến ngày đáo hạn.

Thay vào đó, thua lỗ thực sự của Fed là do trả lãi trái phiếu cũng như tiền gửi dự trữ của các ngân hàng cao hơn với số tiền mà cơ quan này kiếm được từ trái phiếu mua vào khi lãi suất thấp hơn. Đó là hậu quả từ chiến dịch tăng lãi suất ngắn hạn qua đêm của Fed, lên mức cao nhất trong hai thập niên, trên 5% vào năm ngoái.

Bắt đầu từ tháng 9 -2022, lãi suất qua đêm mà Fed trả cho tiền gửi dự trữ của các ngân hàng và cho trên các giao dịch chứng khoán khác mà Fed thực hiện để quản lý lãi suất, vượt quá thu nhập mà Fed thu được từ danh mục tài sản trị giá 7,1 nghìn tỉ đô la, bao gồm trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp mà cơ quan này đã mua trong các chương trình kích thích kinh tế từ năm 2009 đến năm 2014 và một lần nữa từ năm 2020 đến năm 2022.

Fed đã trả cho các tổ chức tài chính tổng số tiền lãi 281,1 tỉ đô la vào năm 2023, so với 102,4 tỉ đô la vào năm 2022. Trong khi đó, tiền lãi thu được từ trái phiếu mà Fed sở hữu đạt tổng cộng 163,8 tỉ đô la vào năm ngoái, so với 170 tỉ đô la năm 2022. Fed cho biết, chi phí hoạt động của 12 ngân hàng khu vực nằm dưới sự giám sát Hội đồng Thống đốc Fed là 5,5 tỉ đô la vào năm 2023.

Khoản lỗ trên không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của Fed và không cần Bộ Tài chính Mỹ hỗ trợ. Không giống như các cơ quan liên bang khác, Fed không cần đề xuất quốc hội Mỹ phê duyệt các khoản chi ngân sách để bù đắp khoản lỗ hoạt động. Thay vào đó, Fed đã tạo ra một dạng giấy nhận nợ vào năm 2022, được gọi là “tài sản trả chậm”.

Trong lịch sử, Fed hầu như luôn có lãi hàng năm và theo luật, Fed sẽ chuyển lãi sau trừ chi phí hoạt động cho Bộ Tài chính Mỹ. Những khoản lãi biến mất cuối năm 2022. Trong chín tháng đầu năm 2022, Fed đã chuyển 76 tỉ đô la thu nhập cho Bộ Tài chính Mỹ. Vào tháng 9 năm đó, Fed bắt đầu thua lỗ và kết thúc năm với tài sản trả chậm được ghi nhận là 16,6 tỉ đô la. Cho đến năm 2022, trong lịch sử 109 năm, Fed chưa bao giờ dừng chuyển tiền cho Bộ Tài chính trong một khoảng thời gian dài đáng kể do thua lỗ hoạt động.

Tài sản trả chậm của Fed đã tăng 116,4 tỉ đô la vào năm ngoái, nâng tổng tài sản trả chậm tích lũy lên 133 tỉ đô la. Khi Fed không còn thua lỗ nữa, Fed sẽ trả nợ trước khi tiếp tục chuyển tiền cho Bộ Tài chính.

Thời điểm Fed có lãi trở lại phụ thuộc vào tốc độ mà cơ quan này giảm lãi suất trong những năm tới. Nhiệm vụ của Fed ấn định lãi suất để giữ lạm phát ở mức thấp và đồng thời thúc đẩy việc làm, chứ không phải tập trung vào lợi nhuận.

Khoản lỗ trên làm tăng thêm thâm hụt liên bang vốn đã lớn, buộc Fed phải bán đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ với quy mô lớn hơn. Fed có thể sẽ tiếp tục thua lỗ kế toán nếu giữ lãi suất trên khoảng 3,5% và thu hẹp danh mục tài sản, một quá trình bắt đầu từ năm 2022. Điều đó khiến Fed đối mặt với các cuộc công kích chính trị dù chưa có dấu hiệu xảy ra.

Trong thập niên qua, các quan chức Fed đã bày tỏ sự lo ngại về những hậu quả chính trị tiềm ẩn nếu cơ quan này buộc phải tăng lãi suất nhanh chóng, dẫn đến thua lỗ ở tài sản trái phiếu. Fed đã lỗ trong một năm rưỡi qua, nhưng các nhà lập pháp ở Washington chưa gây áp lực.

Fed duy trì một danh mục đầu tư tương đối nhỏ cho đến cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, thời điểm mà Fed bắt đầu tăng trái phiếu chính phủ, chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Sau đó, Fed bắt đầu cải tổ cách quản lý lãi suất.

Trước cuộc khủng hoảng đó, khoản tiền chuyển hàng năm của Fed cho Bộ Tài chính dao động trong khoảng từ 20-30 tỉ đô la, ít hơn 1,5% tổng nguồn thu của liên bang. Nhưng sau đó, thu nhập ròng của Fed tăng vọt khi Fed giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp trong khi sở hữu trái phiếu dài hạn có lợi suất cao hơn.

Từ năm 2012 đến năm 2021, lượng tiền của Fed đóng góp vào tổng thu nhập liên bang đã tăng gần gấp đôi. Fed đã gửi hơn 870 tỉ đô la cho Bộ Tài chính trong 10 năm đó, bao gồm 109 tỉ đô la vào năm 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
8 Yêu thích
1 Bình luận 23 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại