FED tăng lãi suất, ảnh hưởng thế nào tới thị trường vàng?
Giá vàng luôn nhạy cảm với động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng đô la và lợi suất trái phiếu mạnh, song lại khiến sức hấp dẫn của vàng giảm. Tuy nhiên trái với quy luật này, trưa 17/3, giá vàng trong nước bật tăng.
Sau 4 phiên lao dốc liên tiếp, trưa 17/3 giá vàng SJC và thế giới cùng điều chỉnh tăng, song mức tăng của vàng SJC chỉ bằng một nửa so với đà tăng của thế giới
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức trưa 17/3, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chuyên gia kinh tế tài chính cho biết: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0,25 - 0,5%, triển khai lần đầu tiên trong số những biện pháp có thể về một loạt đợt giảm mua tài sản, tăng lãi suất nhằm chống tình trạng lạm phát cao.
Việc tăng lãi suất đã được FED dự báo từ năm ngoái. FED tăng lãi suất sẽ giúp đồng USD lên giá nhưng có 2 vấn đề xảy ra là khiến sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường chứng khoán đi xuống. Lúc đó, nhà đầu tư, người dân sẽ rót tiền vào thị trường vàng và giá vàng lại tăng. “Giá đồng USD tăng, giá vàng được tính bằng tiền USD nên khi USD tăng giá sẽ khiến giảm đà tăng của giá vàng. Tuy nhiên trong 2 năm đại dịch bùng phát, đồng USD bị mất giá do việc bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế nên sức tăng của giá vàng mạnh hơn đồng USD, giá vàng sẽ tăng nhẹ”, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định: Việc FED chỉ tăng 0,25% lãi suất cơ bản, thậm chí 0,5% trong cuộc họp sắp tới, thì cũng chẳng làm giảm sức hấp dẫn của vàng với tư cách là tài sản phi lãi suất, nhưng có mức độ trú ẩn cao trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đang leo thang. Do đó, động thái này của FED ít tác động đến giá vàng, có chăng chỉ tác động nhất thời đến tâm lý nhà đầu tư.
Đề cập về thị trường vàng trong nước tăng giá bất thường thời gian qua, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, có thể do một số doanh nghiệp bắt tay nâng giá vàng để hưởng lợi. Nhất là bối cảnh nhu cầu vàng tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế. Tốc độ tăng sản lượng vàng tiêu dùng của Việt Nam tới 8% trong đó tốc độ tăng sản lượng vàng trang sức hơn 11% trong năm 2021 nhưng từ lâu, ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Để có nguồn vàng bán ra, các doanh nghiệp phải tự tìm nguồn mua vàng.
Hiện, thị trường vàng trong nước gồm 2 loại sản phẩm chính gồm: Vàng SJC độc quyền thương hiệu NHNN và vàng trang sức, hình thức đóng vỉ của các doanh nghiệp. Trước đó, khi chọn SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước, phía NHNN lý giải việc sản xuất vàng miếng là độc quyền nhà nước, không phải là độc quyền doanh nghiệp. Từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty SJC chỉ còn các chức năng là kinh doanh mua bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, giá vàng tăng trong bối cảnh Mỹ chính thức tăng lãi suất cơ bản sau hơn 3 năm duy trì lãi suất gần bằng 0. Một diễn biến khác, người dân Nga đổ xô mua kim loại quý do phương Tây trừng phạt tài chính nước này vì xung đột quân sự với Ukraine, thiếu hụt lao động, khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu FED tăng lãi suất 5 lần trong năm nay và 4 lần trong năm tới, thì lãi suất cơ bản của FED cũng chỉ ở mức 2,25 - 2,5% theo dự báo của Capital Economics, vẫn thấp hơn nhiều mức lạm phát cao ngất ngưởng 8%, thậm chí cao hơn nữa trong những tháng tới.
Tại thị trường trong nước trưa 17/3, giá vàng bán ra tại hệ thống Doji Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 68,40 – 68,60 triệu đồng/lượng, tăng từ 400.000 đến 600.000 đồng/lượng so với phiên trước. Giá vàng mua vào từ 66,60 – 67 triệu đồng/lượng, tăng từ 600.000 đến 1 triệu đồng/lượng.
Tại Phú Quý SJC, vàng mua vào - bán ra là 67,10 – 68,40 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng mua vào và 400.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước. Còn ở hệ thống SJC Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, giá SJC mua vào và bán ra đều tăng 300.000 đồng/lượng so với phiên ngày 16/3, giao dịch 67,30 – 68,52 triệu đồng/lượng.
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức sáng 17/3, sau động thái tăng lãi suất của FED, thị trường vảng trong nước giao dịch khá trầm lắng. Con phố "vàng" Trần Nhân Tông, Hà Nội thưa thớt khách tới giao dịch vàng. Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết: Lượng khách mua vào và bán ra sáng 17/3 có tỷ lệ là 55% khách mua vào và 45% khách bán ra. Giá vàng trong nước đang phục hồi nhẹ. Vì vậy, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch; đồng thời thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Đêm 16/3, giá vàng thế giới dừng ở mức 1.926 USD/ounce, có thời điểm xuống dưới mốc 1.900 USD/ounce nhưng sau đó nhanh chóng tăng trở lại. Đến sáng 17/3, giá "đội" hơn 6 USD/ounce, giao dịch là 1.933,5 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước gần 15 triệu đồng/lượng.
Theo phân tích kỹ thuật, ngưỡng kháng cự trước mắt của giá vàng là 1.928,7 USD/ounce, tiếp đến là 1.950 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là 1.900 USD/ounce, kế đến là 1.882,5 USD/ounce.
Sáng 17/3, tỷ giá đồng USD được NHNN điều chỉnh giảm khá mạnh so với ngày 16/3. Tỷ giá các ngân hàng thương mại không thay đổi nhiều. Trên thị trường tự do có điều chỉnh giảm nhẹ. Trên thị trường tự do sáng 17/3 ghi nhận xu hướng giảm. Giá mua - vào hiện phổ biến ở mức 23.420 - 23.470 đồng/USD, giảm 20 đồng cả hai chiều mua vào và bán ra so với ngày 16/3.
Đầu phiên giao dịch sáng 17/3 trên thị trường Mỹ (đêm 16/3 giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 98,34 điểm tăng 0.28% so với cuối phiên cuối tuần trước. Đồng USD giảm do chính sách tiền tệ của FED đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề lạm phát tăng cao. Tuy nhiên cuộc họp kết thức, chính sách FED đưa ra không gây bất ngờ cho nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận