FED tăng lãi suất ảnh hưởng như thế nào đến chứng khoán Việt Nam?
Số liệu CPI tháng 6 của Mỹ vừa được công bố tăng 9.1% so với cùng kỳ, đây là mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5.
Ngoài ra, con số lạm phát này cũng cao hơn so với mức dự báo 8,8% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Lạm phát ngày càng “nóng” là căn cứ để FED tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, với mức tăng gần nhất là 0,75% trong cuộc họp ngày 26-27/7 vừa qua, lên mức 2,25% - 2,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 và để ngỏ các khả năng về cuộc họp tiếp theo của FED trong tháng 9, về việc có tiếp tục tăng lãi suất hay không và tăng bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào các dữ liệu kinh tế. Dự báo, lãi suất tham chiếu của FED có thể tăng lên mức 3,4% vào cuối năm 2022 và 3,8% vào cuối năm 2023. Vậy việc tăng lãi suất của FED có tác động đến kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào? Cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Với vai trò là ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới và đồng USD đang là đồng tiền thanh toán rộng rãi trên toàn cầu, quyết định tăng lãi suất của FED sẽ có tác động đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế, TTCK thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Việt Nam chịu hai hướng tác động tới lãi suất. Hướng thứ nhất tới từ lạm phát trong nước có xu hướng tăng nhẹ do chịu tác động bởi nhập khẩu lạm phát và chi phí đẩy. Hướng thứ hai là từ chính sách nâng lãi suất của thế giới sẽ tác động tới tỷ giá và buộc ngân hàng nhà nước Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng chung.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND (Hình 1) từ đầu năm tới nay đã tăng 2,2% khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng gần 10%. Áp lực tỷ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến một số tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động từ 0,5 - 0,7% tùy theo kỳ hạn và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra tạo áp lực tăng trong những tháng cuối năm. Hiện nay, nhiều ngân hàng huy động tiền gửi ở mức lãi suất trên 7%/năm.
Việc FED tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động chịu nhiều áp lực tăng giá, trong bối cảnh: (i) thanh khoản của hệ thống các TCTD bị thu hẹp (Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc hút ròng một lượng lớn tiền mặt thông qua kênh tín phiếu hơn 160.000 tỷ đồng và bán ngoại tệ giá trị hơn 10 tỷ USD trong tháng 6. Đồng thời tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng 9,35% trong khi tăng trưởng huy động vốn chỉ là 4,51%); (ii) sức ép lạm phát tăng lên khi chỉ số CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước; (iii) nhu cầu tín dụng tăng cao (Cụ thể, 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng trưởng tín dụng ở mức 6,47%, gần 2/3 kế hoạch dự kiến đặt ra trong năm 2022. Đồng thời nhu cầu tín dụng được dự báo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm) kéo theo nhu cầu vốn huy động tăng. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất có thể tăng lên hoặc ổn định khi NHNN có thể can thiệp để bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định nhằm hỗ trợ phục hồi như định hướng của Chính phủ và NHNN (đặc biệt khi gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỷ đồng được triển khai).
Việc tăng lãi suất sẽ tác động trên ít nhất 4 phương diện, cụ thể:
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất tăng lên có thể khiến tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, từ đó giảm sức cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việc FED và một số NHTW các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay của DN và người dân tăng lên từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ.
Nhu cầu hàng hóa – dịch vụ giảm do thắt chặt chi tiêu làm giảm nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam do độ mở của nền kinh tế nước ta đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức khoảng 185% năm 2021), trong đó Mỹ và Châu Âu là những thị trường chủ chốt. 6 tháng đầu năm 2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,96 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước; Ngoài ra, xuất khẩu sang EU đạt 23 tỷ USD, là thị trường lớn thứ 3. Do đó, việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể chậm lại trong những quý tới.
Thứ hai, việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Đồng USD mạnh kéo tỉ giá USD/VND tăng hơn 2% kể từ thời điểm FED bắt đầu tăng lãi suất. Tỷ giá tăng, tác động tiêu cực tới các DN nhập khẩu nguyên vật liệu trong nước, làm cho giá cả hàng hóa có thể tăng mạnh hơn từ đó tác động lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực. Bởi các yếu tố cơ bản như thặng dư cán cân thương mại 710 triệu USD 6 tháng đầu năm (Hình 2), dự trữ ngoại hối ở mức cao duy trì trên 110 tỷ USD, góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài. Bên cạnh đó, giải ngân FDI tăng trưởng ổn định và nguồn kiều hối dồi dào cũng góp phần ổn định thị trường ngoại hối. NHNN kiên định chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường. Do đó, tỉ giá USD/VND được dự báo biến động trong phạm vi 2% trong cả năm 2022.
Thứ ba, lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Theo số liệu thống kê cuối năm 2021, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP. Khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng lên, thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao, đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) sẽ tăng lên đáng kể.
Thứ tư, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể bị tác động tiêu cực bởi việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ. Cụ thể, khi FED tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước. Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây và mới chỉ mua ròng trở lại trong quý II vừa rồi khiến tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước.
Đồng thời, TTCK Việt Nam cũng đã chứng kiến một đợt giảm điểm mạnh trong 3 tháng qua, kéo mặt bằng định giá các chỉ số chứng khoán về vùng hấp dẫn khi so sánh với lịch sử và các thị trường chứng khoán trong khu vực. Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao (6-7% giai đoạn 2022-2023), kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định (lạm phát kiểm soát khoảng 4%, thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tầm kiểm soát)… Định giá hấp dẫn sẽ kích thích dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam và phần nào giảm thiểu tác động của FED.
Khi lạm phát tăng, chứng khoán giảm - đó là quy luật dễ dàng nhận ra của diễn biến thị trường. Thông tin lạm phát tháng 6 của Mỹ cao kỷ lục khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chuẩn bị tâm lý cho khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất 0.75% và đúng như dự báo, đây là lần tăng lãi suất thứ 4 liên tiếp trong năm nay. Thị trường chứng khoán đã có ba lần điều chỉnh chiết khấu mạnh trước đó, với mức giảm cũng dần hạ nhiệt sau mỗi lần FED nâng lãi suất. Lý do được đưa ra là thị trường thường phản ứng thái quá và mạnh mẽ với những sự kiện trọng yếu mang tính bất ngờ hoặc mới xảy ra lần đầu, còn với các sự kiện mang tính thường kỳ, phản ứng sẽ nhẹ dần sau nhiều lần lặp lại. Chẳng hạn các động thái tăng lãi suất của FED ban đầu khiến thị trường giảm mạnh, nhưng các lần sau lại phản ứng yếu hơn. Ngoài ra, nhiều loại hàng hóa đã giảm trong tháng 7, nhất là giá dầu, nên sức ép lạm phát cũng suy yếu sau khi đạt đỉnh tháng 6. Và ta thường nghe “Đỉnh của lạm phát sẽ là đáy của chứng khoán”. Có thể thấy rõ tác động lần này trong phiên cuối tuần trước ngay khi tin ra, DJ xanh mạnh 400 điểm, là điểm tựa tâm lý giúp VNINDEX có một phiên bùng nổ (Hình 3). Sau đó xu hướng hồi phục tiếp tục tiếp diễn.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ/ tài khóa của Việt Nam sẽ có độ trễ với xu hướng chung trên thế giới. Việt Nam, cũng như một số nước đang phát triển, có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù vẫn phải đối mặt với rủi ro lạm phát, tuy nhiên xu hướng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế. Lãi suất ước tăng không đáng kể trong năm 2022, và không tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng comment chia sẻ nhé.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường