FDI vào bất động sản tăng vọt
Với pha điều chỉnh tăng vốn gần 1 tỷ USD, Singapore trở thành nhà đầu tư nước ngoài rót vốn nhiều nhất vào bất động sản trong 2 tháng đầu năm.
Tăng vốn sau chuyển nhượng một phần dự án
Việc chủ đầu tư Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm gần 941 triệu USD cho Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (VSIP Bắc Ninh) đã giúp tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong 2 tháng đầu năm có bước nhảy vọt.
Với việc điều chỉnh tăng vốn tại VSIP Bắc Ninh, Singapore tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 2 tháng qua, với tổng vốn đăng ký trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Pha tăng vốn này cho thấy bước mở rộng mạnh mẽ của chủ đầu tư khu công nghiệp đô thị kiểu mẫu này sau hơn 25 năm có mặt tại thị trường Việt Nam.
Trước khi có động thái tăng vốn, Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh đã được UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án tại Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh cho Công ty TNHH một thành viên Bất động sản Hoa Đất vào tháng 1/2021. Theo đó, tổng diện tích đất chuyển nhượng là 84.988 m2. Tổng mức đầu tư của dự án sau khi chuyển nhượng là 1.149 tỷ đồng. Tháng 11/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định thu hồi và giao diện tích đất nói trên cho Công ty TNHH một thành viên Bất động sản Hoa Đất để thực hiện một phần dự án.
Trước đó, cuối tháng 10/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành quyết định thu hồi và giao 33.220 m2 đất cho Công ty cổ phần Bất động sản Singland để thực hiện một phần dự án VSIP Bắc Ninh.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3, với hơn 2,6 tỷ USD (chiếm 8,3%). So với năm 2020, dòng vốn đổ vào bất động sản giảm 1,6 tỷ USD, với nguyên nhân là tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tiềm năng và môi trường đầu tư được cải thiện thuận lợi hơn, dòng vốn này sẽ được khơi thông, phát triển khi dịch bệnh được khống chế.
Trong số các phân khúc hấp dẫn vốn ngoại, các chuyên gia đều cho rằng, bất động sản công nghiệp sẽ giữ vị thế tiên phong. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi dòng chảy FDI vào Việt Nam vẫn khá ổn định trong hơn 2 năm qua, dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đã liên tiếp có những tín hiệu tích cực cho bất động sản công nghiệp, như việc Framas - tập đoàn sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức - ký hợp đồng thuê nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000 m2 để mở rộng sản xuất tại Đồng Nai, hay VSIP Bắc Ninh tăng vốn gần 1 USD và gần đây nhất là Dự án Khu công nghiệp VSIP 3 tại Bình Dương đã khởi công xây dựng vào tuần trước.
Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đã được trao giấy chứng nhận đầu tư ngay tại lễ khởi công VSIP 3. Đơn cử, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đăng ký đầu tư dự án quy mô tới 1 tỷ USD trên diện tích 44 ha. Ngoài ra, hơn 30 tập đoàn, công ty khác đang quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất tại VSIP 3 với tổng diện tích dự kiến khoảng 176 ha.
Theo đánh giá của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, việc các doanh nghiệp danh tiếng lựa Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Đất công nghiệp ở Việt Nam có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Đây là những yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam”, ông Matthew Powell nhận xét.
Bên cạnh đó, có thể kể đến các yếu tố khác như chính trị ổn định, chi phí nhân công rẻ, mạng lưới giao thông thuận tiện...
Đại diện Savills đánh giá, nhìn chung, có rất nhiều nhân tố “kéo” nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam, thay vì những điểm đến khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận