Eurozone đối mặt với “suy thoái kép”
Dữ liệu sơ bộ vừa được IHS Markit công bố cuối tuần trước cho thấy, hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng vào tháng Giêng sau các đợt đóng cửa để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch corona
Theo đó chỉ số PMI tổng hợp của Markit cho khu vực đồng euro, xem xét hoạt động trên cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 47,5 điểm trong tháng 1 từ mức 49,1 điểm của tháng 12. Chỉ số dưới 50 điểm thể hiện sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất và dịch vụ.
Chris Williamson - Nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết, một cuộc suy thoái kép đối với khu vực đồng euro dường như “ngày càng không thể tránh khỏi”.
“Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã gây thêm thiệt hại cho các doanh nghiệp trong tháng Giêng”, ông nói trong một tuyên bố. “Sản lượng giảm với tốc độ gia tăng, dẫn đến tình trạng tồi tệ hơn trong lĩnh vực dịch vụ và sự suy yếu của tăng trưởng sản xuất xuống mức thấp nhất được thấy cho đến nay trong sự phục hồi kéo dài 7 tháng của lĩnh vực này”.
Hôm thứ Năm, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thừa nhận rằng đại dịch vẫn gây ra “những rủi ro nghiêm trọng” cho nền kinh tế khu vực đồng euro. Ngoài các biến thể Covid mới, cũng có những lo ngại về việc chậm triển khai văc-xin trên khắp Liên minh châu Âu.
“Trong bối cảnh đó, việc kích thích tiền tệ mạnh mẽ vẫn là điều cần thiết”, Lagarde nói. ECB đã quyết định tại một cuộc họp chính sách diễn ra hôm thứ Năm tuần trước là tiếp tục giữ nguyên lãi suất và các chương trình kích thích của mình sau khi đã tăng quy mô mua vào tài sản tại cuộc họp tháng 12.
ECB dự kiến GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của khu vực đồng euro sẽ tăng 3,9% vào năm 2021 và 2,1% vào năm 2022 sau khi kinh tế khu vực đã thu hẹp tới 7,3% vào năm ngoái. Tuy nhiên, những dự báo này còn phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch.
Trước đó, dữ liệu hoạt động kinh doanh của Pháp cũng giảm xuống mức thấp nhất hai tháng, phản ánh việc áp dụng các lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc. Chỉ số PMI tổng hợp của nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu là 47 điểm trong tháng 1 cho thấy nền kinh tế đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Pháp đã thuê thêm nhân viên vào tháng Giêng - mức tăng đầu tiên về số lượng việc làm trong gần một năm.
“Thực tế là các công ty đã quay trở lại hoạt động tuyển dụng cho thấy một số niềm tin vào sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm nay”, Eliot Kerr - nhà kinh tế tại IHS Markit cho biết.
Còn tại Đức, hoạt động kinh doanh lại tăng trưởng nhẹ trong tháng 1, với chỉ số PMI ở mức 50,8 điểm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn là mức thấp nhất trong 7 tháng đối với nền kinh tế lớn nhất Eurozone.
Phil Smith - Phó giám đốc tại IHS Markit nhấn mạnh động lực trong hoạt động sản xuất ở nước này chậm hơn trong tháng Giêng, trong khi lĩnh vực dịch vụ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo ông, nền kinh tế Đức đã có một khởi đầu chậm chạp trong năm và việc gia hạn các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiện tại cho đến ít nhất là giữa tháng Hai có nghĩa là các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động trong vài tuần tới.
Cách đây vài ngày, chính phủ Đức đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa quốc gia cho đến ngày 14/2.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận