Elon Musk và nguy cơ trở thành rắc rối đối với Twitter
Tuy nắm cổ phần lớn nhất tại Twitter, việc ông Elon Musk không tham gia hội đồng quản trị có thể trở thành "người ngoài" gây đau đầu cho tập đoàn mạng xã hội này.
Việc CEO Tesla Elon Musk - cổ đông lớn nhất của Twitter với 9,2% cổ phần - quyết định không tham gia hội đồng quản trị tập đoàn mạng xã hội này đang dẫn đến khả năng ông Musk trở thành một “nhà đầu tư chủ động” và gây ảnh hưởng lớn đến cách Twitter vận hành.
Một hồ sơ gửi lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 9/4 vừa qua cho biết ông Musk có thể thảo luận với hội đồng quản trị và lãnh đạo Twitter về các vấn đề như sản phẩm và dịch vụ, tiềm năng sáp nhập và cách điều hành tập đoàn. Bên cạnh đó, ông Musk cũng có thể bày tỏ quan điểm về Twitter trên mạng xã hội hoặc các kênh khác. Hồ sơ này cũng cho biết ông Musk hiện chưa có ý định thay đổi cổ phần, nhưng vẫn có quyền đổi ý nếu thấy phù hợp.
Nếu trở thành thành viên hội đồng quản trị, cổ phần của ông Musk sẽ bị giới hạn ở mức 14,9%. Tuy nhiên, việc ông Musk từ chối đề nghị này khiến một số nhà phân tích đặt ra khả năng ông có thể nhắm tới cách tiếp cận quyết liệt hơn đối với cách Twitter vận hành, thậm chí khả năng thâu tóm thù địch tập đoàn này.
Một số nhân viên Twitter đã nói rằng việc ông Elon Musk trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter đã khiến họ cảm thấy lo lắng, bất an và quan ngại về định hướng của tập đoàn. Tuần trước, Twitter thông báo sẽ tổ chức một buổi hỏi đáp giữa nhân viên và ông Elon Musk, nhưng sau đó đã hủy sự kiện này.
Ông Musk vốn là người từ lâu đã thể hiện rõ quan điểm khác với chuẩn mực kinh doanh thông thường và thái độ sẵn sàng “cãi lộn” nhằm bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình. Trong nhiều cuộc tranh luận với SEC, các nhà lập pháp và đối thủ cạnh tranh, ông Musk cũng sẵn sàng sử dụng tài khoản Twitter với hơn 81 triệu lượt theo dõi làm vũ khí hiệu quả.
Twitter là một phương tiện được ông Elon Musk dùng để gây chú ý từ phía truyền thông và qua đó lôi kéo nhà đầu tư giúp Tesla tồn tại và phát triển. Nỗ lực của ông Musk đã góp phần biến Tesla trở thành tập đoàn ô tô có vốn hóa lớn nhất thế giới, với thương hiệu nổi lên nhờ mạng xã hội thay vì phụ thuộc vào mô hình quảng cáo truyền thống.
Đối với bản thân tập đoàn Twitter, hành vi nhiều lúc được cho là khó đoán đi kèm quan điểm kinh doanh của ông Elon Musk có thể mang lại rắc rối, đặc biệt nếu ông Musk quyết định mua thêm cổ phần. Nhà phân tích Ali Mogharabi từ Morningstar cho rằng nếu ông Musk quyết định tăng cổ phần của mình tại Twitter lên 15%, sức ép thay đổi từ tỷ phú này đối với Twitter có thể trở nên rất lớn.
Ông Elon Musk có thể sẽ trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với CEO Twitter Parag Agrawal. Phản ứng với những sự kiện liên quan đến ông Musk, ông Agrawal cho biết: “Mục tiêu và ưu tiên của chúng tôi sẽ không thay đổi... Những quyết định được đưa ra và cách thực hiện chúng vẫn nằm trong tay chúng tôi chứ không phải ai khác”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận