Đường lối nào cho công nghiệp hóa ?
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, Việt Nam là quốc gia đi sau về CNH (công nghiệp hoá). Làm thế nào để thực hiện được các mục tiêu của mình. Ta đã có giai đoạn đặt nền móng CNH bằng chính sách “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”.
Sự nghiệp đó không thành công, nhưng không thể nói đó là sai về mặt lý luận. Chính sự không hiệu quả của cơ chế kế hoạch hoá tập trung mới là vấn đề khi thực hiện mở cửa, tự do hoá thị trường.
Trong quá khứ, Liên Xô với mô hình kinh tế XHCN vẫn thành công trên cơ sở nền móng công nghiệp của Đế quốc Sa hoàng và bối cảnh hội nhập của kinh tế toàn cầu không như bây giờ. Khi nước Nga được tái lập từ Liên Xô dân số chỉ bằng 1,5 lần Việt Nam, đất nước rộng lớn với đầy tài nguyên thiên nhiên. Thế giới đã thay đổi, nhưng nước Nga vẫn không hoà nhập được, cũng là do sức ỳ quá lớn của cơ chế quá khứ. Hàn Quốc trong bối cảnh tập trung quyền lực thời 50 năm trước mặc dù đất nước nghèo nàn đã huy động được nguồn lực quốc gia trong thời điểm quan trọng và sau đó bứt phá với cơ chế phổ quát của kinh tế tự do.
Thực hiện CNH của một quốc gia là làm cho nền kinh tế của quốc gia đó có khả năng tự sản xuất được phần lớn các sản phẩm phục vụ nhu cầu của chính đất nước mình. Trong thời đại ngày nay, không quốc gia nào hoàn toàn tự chủ tất cả các nhu cầu của mình. Hơn nữa sự phân công hợp tác toàn cầu khiến quá trình sản xuất vật chất trở nên kinh tế hơn. Vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn luôn phát triển trong tất cả các quá trình CNH. Với nền kinh tế có độ mở “nhập khẩu = GDP = xuất khẩu” tối đa như hiện nay, Việt Nam làm thế nào để thực hiện CNH.
Sản phẩm công nghiệp là vô cùng phong phú từ cái kim, sợi chỉ đến ô tô, máy móc, tàu bè. Sản phẩm công nghiệp đáp ứng nhu cầu từ phục vụ dân sinh đến nhu cầu an ninh, quốc phòng của quốc gia. Mục tiêu CNH là làm tối đa những gì có thể làm trong từng giai đoạn. Sự thành công của CNH phải là ý chí của toàn dân và sự ủng hộ của số đông bên cạnh những chính sách đúng đắn của chính quyền. Thoạt nghe điều này như lý luận suông của những nhà chính trị. Thực tế, đây không phải là sự hô hào phong trào mà là điều kiện tiên quyết của thành công. Vì vậy, để làm CNH phải xác định tư tưởng sau:
(1) Từ thượng tầng phải xác định và định hướng thang giá trị của xã hội không phải là tìm mọi cách giàu nhanh, kiếm được tiền nhanh. Những đóng góp cho cộng đồng lâu dài mới làm nên giá trị đích thực. Các vị như Toyoda, Honda, Matsushita... đóng góp cho xã hội Nhật Bản đều là những tấm gương nỗ lực suốt đời và khi sinh thời các vị ấy đều không giàu. Thang giá trị méo mó sẽ làm lu mờ sự đánh giá của xã hội, làm mất đi động lực của những người có đam mê, có hoài bão và cống hiến.
(2) Những bước đi của sản xuất công nghiệp cần có ý chí, nhưng ý chí không phá vỡ được những quy luật của thực tiễn sản xuất mà thế giới đã trải qua. Xã hội là đa dạng các ý tưởng. Có những ý tưởng là sai lầm mà phải trả giá. Thực tế, người giàu không phải là luôn luôn đúng, mà là người giàu có tiền để trả giá cho những sai lầm (chưa kể nhiều người thực chất là giỏi tiêu tiền của xã hội). Vì vậy, bên cạnh những tán dương khen thưởng cuốn theo ý tưởng người giàu, thì phải luôn sáng suốt vận động theo những quy luật, để hỗ trợ cho triệu triệu những ý tưởng vô danh đúng hướng.
(3) CNH là tìm cách làm tất cả các sản phẩm không phân biệt sang hèn. Iphone có thể kiếm tiền, nhưng những phụ kiện tưởng như rẻ tiền có khi tỉ suất lợi nhuận còn cao hơn. Ta có vẻ như đang tự ti khi sản phẩm công nghiệp của TQ và gần đây là Thailand tràn ngập. Cần khuyến khích người Việt có tư tưởng cạnh tranh thắng trên sân nhà với mọi sản phẩm nước ngoài đang áp đảo. Đất nước nông nghiệp mà các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thức ăn chăn nuôi cũng phải nhập hoặc mời người ngoài vào làm thì phải coi là điều xấu hổ, không thể chấp nhận. Bia rượu gây dựng bao năm bán cho người ngoài tưởng được món hời, rồi sau sẽ là gì.
(4) Nền công nghiệp như một bộ rễ chùm, chứ không phải một vài ba cái rễ cái của cái cây kinh tế. Vì vậy, những gì gọi là lĩnh vực mũi nhọn và trông chờ “hiệu ứng lan tỏa” là không có ý nghĩa. Một vài hay thậm chí một vài chục doanh nghiệp công nghiệp lớn thì luôn luôn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ khi so sánh với tổng sản phẩm của cả nền công nghiệp. Các doanh nghiệp lớn vẫn luôn có thể được đề cao và chú ý đặc biệt, nhưng thành công của CNH phải là nỗ lực chung của hàng vạn doanh nghiệp với hàng trăm ngàn mặt hàng.
(5) Người Việt ai cũng cần có việc làm nhưng lại thường không tin tưởng ủng hộ hàng nội. Người Hàn nếu không có tinh thần dân tộc mà tự ti trước hàng Nhật thì không có những sản phẩm đỉnh cao như ngày nay. Người TQ thì vẫn tự tin làm tất cả mọi thứ, khi bắt đầu làm điện thoại cầm tay với phần mềm còn như đang viết dở và họ vẫn xài. Nói “người Việt dùng hàng Việt” thì phải là văn hoá, tư tưởng thực sự ngấm từ thượng tầng. Các doanh nghiệp nhà nước đừng vướng những quy định cứng nhắc về mua sắm, đấu thầu mà phải ngậm ngùi mua nước ngoài cho lành. Các doanh nghiệp tư nhân đều cần nhận thức phải cùng nương vào nhau mà tồn tại để mà dùng sản phẩm của nhau. Nếu cứ dè bỉu những nhận thức này thì vẫn mãi chỉ là đi làm thuê cho người ngoài và không trông mong gì vào tự chủ CNH.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận