Đừng đùa với tính mạng!
Câu chuyện chúng tôi muốn nói ở đây là, tính mạng người dân ở trong các khu chung cư xập xệ, cũ nát vẫn đang bị đe dọa từng ngày. Tình trạng “đùa với tính mạng” xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa
Tại Hà Nội, hiện có khoảng hơn 1.570 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập. Các chung cư này phần lớn được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1994, trong đó nhiều chung cư có mức độ nguy hiểm rất cao (cấp độ D). Chính quyền thành phố nêu quyết tâm sẽ hoàn thành việc di dời người dân khỏi các căn hộ nguy hiểm cấp D trong quý I-2023. Thế nhưng đã bước sang quý II gần nửa tháng rồi vẫn “giậm chân tại chỗ”. Chẳng hạn, chung cư G6A Thành Công (phường Thành Công, Ba Đình) có đến 40% số hộ chưa di dời. Còn ở TP Hồ Chí Minh, tình cảnh cũng không khá hơn, chuyện bàn giao nhà cho chủ đầu tư vẫn “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.
Điểm nghẽn này do đâu? Lỗi tại chính quyền không kiên quyết, hay do một số hộ dân chây ỳ không chịu chuyển đi? Câu trả lời là: lỗi từ cả hai phía.
Về phía chính quyền, khi báo cáo cấp trên, hay khi trả lời các cơ quan thông tấn báo chí, lãnh đạo cấp phường, quận thường nói rằng, việc triển khai cải tạo, xây dựng khu chung cư cũ nát còn nhiều điểm nghẽn. Đó là, quỹ nhà tạm cư còn thiếu, chưa bảo đảm nhu cầu của người dân, cho nên bà con lo lắng “đi dễ, về khó”. Biết là nguy hiểm tính mạng, nhưng người dân có tâm lý phải cầm dao đằng chuôi, khi quay về phải có nhà ở. Những băn khoăn này thì chỉ có nhà đầu tư mới giải đáp được. Thế nhưng, do bị giới hạn bởi số tầng công trình đã quy định, ở nhiều nơi, diện tích sàn kinh doanh còn lại rất ít, vì thế các nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Có nhà đầu tư nói thẳng, trong bối cảnh giá vật liệu, giá nhân công trượt giá, xây dựng chung cư mới lại chủ yếu để phục vụ tái định cư, không ai đổ tiền, đổ mồ hôi để chịu “lỗ vốn”.
Ở TP Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo Quận 5 nêu thêm một lý do khi di dời các hộ dân là bởi, pháp luật quy định rõ, với nhà hết niên hạn sử dụng hoặc có nguy cơ sập đổ thì chính quyền phải chịu trách nhiệm di dời để bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân. Tuy nhiên, luật không quy định cụ thể việc lập phương án bồi thường dạng nhà chung cư. Thành thử mỗi nơi vận dụng mỗi cách, gây nhiều khó khăn cho chính quyền sở tại trong việc vận động, thuyết phục bà con bàn giao nhà cũ.
Qua dẫn chứng cụ thể nêu trên, thấy rằng, điểm cốt lõi trong việc cải tạo các khu chung cư cũ nát là phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Cần có lộ trình cụ thể, công khai với người dân để họ yên tâm khi dời khỏi nơi mình từng sinh sống trong nhiều năm. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư.
Đó là tiếng nói của chính quyền và nhà đầu tư. Còn ý kiến người dân thì sao? Mắc mớ lớn nhất là, nhiều hộ dân chưa đồng thuận với các phương án di dời. Cũng có những đề nghị được gặp chủ đầu tư để nắm được thời gian cải tạo, xây dựng khu chung cư cũ, nhưng chưa biết “chủ” là ai mà hỏi, bởi việc lựa chọn nhà đầu tư là công đoạn sau này. Thủ tục lựa chọn được thực hiện công khai thông qua tỉ lệ phiếu do các hộ dân tự quyết định tại Hội nghị cư dân nhà chung cư. Có bác cao tuổi xúc động bày tỏ, rằng chúng tôi đã ở đây ba thế hệ, cho nên việc chuyển đến một nơi ở mới không phải là điều dễ dàng. Đi thì dễ, không khéo đến lúc về lại mất nhà. Lại có chủ hộ đã cho thuê nhà nhiều năm, nói thác đi rằng, nhà có nghiêng, có nứt tường thật đấy nhưng chưa đổ ngay đâu mà sợ, “nghiêng ở đây là nghiêng... bền vững”. Chỉ kinh nhất là “ông động đất” hỏi thăm (!).
Ở quận 5, TP Hồ Chí Minh, chính quyền cho biết, sẽ thưởng 50 triệu đồng và bố trí chỗ ở mới cho người dân ở chung cư cũ 440 Trần Hưng Đạo. Thế nhưng, bà con vẫn “lắc đầu” vì vẫn chưa chốt được mức đền bù. Có những gia đình ở tầng trệt chung cư ngay mặt tiền, tiền cho thuê nhà là nguồn thu nhập chính, thế nhưng nếu chuyển đến chung cư mới thì tất cả đều phải ở tầng cao. Ấy là chưa kể còn tốn nhiều loại phí. Rõ ràng, chỉ khi nào điều hòa được lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân thì những ách tắc mới được hoá giải.
Có một hướng giải quyết đã được nêu trong kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh, đó là, Nhà nước (thông qua Bộ Xây dựng) sẽ tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân ở các địa điểm hợp lý từ nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, khu đất của các khu chung cư cũ sẽ được chuyển đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất để tổ chức đấu giá, thu hồi ngân sách. Cuối cùng, tiền vẫn được trả về cho nhân sách nhà nước.
Chưa có giải pháp không có nghĩa là không có giải pháp. Giải pháp tối ưu vẫn là tăng cường tiếp xúc, đối thoại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Càng cụ thể, càng sớm càng tốt. Dân vận không phải là những điều nói suông, mà là chính sách hợp lý, biện pháp quyết liệt. Không thể kéo dài mãi chuyện di dời người dân ra khỏi “khu vực nguy hiểm”. Vì đây là câu chuyện tính mạng con người, đừng để hậu quả xấu xảy ra vì sự ngại khó, tắc trách, hay vì tìm kiếm lợi nhuận ở mức cao nhất. Có câu nói rất hay của một nhà tỷ phú Mỹ: Chúng ta làm dịch vụ trong lòng phải có người tiêu dùng, đừng cái gì cũng nghĩ đến tối đa. Biết cách tôn trọng người khác, đó là mục đích và cũng là bí quyết của thành công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận