Đưa kinh tế chia sẻ vào “đường ray”
Năm 2021 được kỳ vọng là năm mà các mô hình kinh tế chia sẻ sẽ “đi đúng trên đường ray”, loại bỏ những mô hình biến tướng, gây hệ lụy cho xã hội.
Biến tướng và hệ lụy của mô hình kinh tế chia sẻ
Trong gần 300.000 lao động ở Việt Nam làm đối tác cho Grab, Bee, Gojek…, có rất ít sinh viên, cán bộ, công chức làm thêm, nhưng lại có rất nhiều người vay tiền ngân hàng, mua phương tiện vận tải và xem đó như nghề kiếm sống chính thức.
Trong 65.000 căn hộ tham gia thị trường chia sẻ phòng ở lưu trú ở Việt Nam, thì có đến hơn 90% không phải là chia sẻ căn hộ, phòng ngủ dư thừa tại gia, mà đầu tư, vay mượn để mua căn hộ cho thuê.
Trong hơn 200 mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) có tên tại Việt Nam, thì chỉ có hơn 10 mô hình hoạt động đúng nghĩa P2P, số còn lại núp bóng P2P để cho vay nặng lãi qua Internet. Phần lớn các P2P có vốn đầu tư đến từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…
Có thể thấy rằng, mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên việc sử dụng các tài sản, dịch vụ, lao động nhàn rỗi của cá nhân khác thông qua các nền tảng trên Internet đã biến tướng, hoạt động không đúng bản chất.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), mức độ “kinh tế chia sẻ” trong mô hình kinh doanh của taxi công nghệ tại Việt Nam hiện chỉ nằm ở phạm vi ứng dụng phần mềm kỹ thuật số trong đơn vị kinh doanh vận tải. Mô hình này gần như không phải sử dụng phương tiện nhàn rỗi để kinh doanh. Chỉ có một số ô tô nhàn rỗi thực sự hoặc sinh viên tham gia chạy xe máy để kinh doanh thêm.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, biến tướng của kinh tế chia sẻ trong taxi công nghệ là không sử dụng tài sản có sẵn để tham gia nền tảng kinh doanh, rồi thực hiện chia sẻ, mà nhiều người phải đi vay, đi nhờ người khác hỗ trợ để có thể tham gia nền tảng đó. Khi kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, không có tài sản trả nợ, thì rất dễ dẫn đến phá sản.
Dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số loại hình kinh tế chia sẻ chính đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, như vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở lưu trú, cho vay ngang hàng, dù mới bước đầu phát triển, nhưng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng chú ý là, các tập đoàn lớn của nước ngoài đang có xu hướng đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, thậm chí chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, khi kinh tế chia sẻ phát triển mạnh và chiếm giữ thị phần, các doanh nghiệp lớn có thể thôn tính và lũng đoạn thị trường.
“Nguy cơ này có thể được kiềm chế, kiểm soát nếu Nhà nước có chính sách và cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ quyền lực của các nền tảng trên thị trường từng ngành sản phẩm. Đây đang là một thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Cương đánh giá.
Cần sớm có hành lang pháp lý cho kinh tế chia sẻ
Có thể thấy rõ, kinh tế chia sẻ và các nền tảng số đã xuất hiện gần 10 năm qua tại Việt Nam, nhưng đến nay, cơ quan nhà nước vẫn còn loay hoay đi tìm hành lang pháp lý.
“Cho tới nay, Nhà nước chưa có văn bản luật và đầu mối quản lý thống nhất các nền tảng số. Pháp luật về cạnh tranh cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về điều chỉnh các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lợi thế độc quyền tự nhiên để hạn chế cạnh tranh. Tình hình đó đang gây khó khăn cho phía cơ quan quản lý nhà nước, cũng như đối với doanh nghiệp nền tảng trong mô hình kinh tế chia sẻ”, báo cáo của CIEM nêu.
“Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế chia sẻ. Nếu không nhanh chóng có chính sách phù hợp để xây dựng một vài doanh nghiệp Việt làm đối trọng trong một số lĩnh vực, khi thị trường bước vào giai đoạn bão hòa, các doanh nghiệp lớn đã định vị được vị trí, chiếm lĩnh thị trường, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có cơ hội chen chân vào. Khi đó, các ông lớn nước ngoài sẽ liên kết, tăng giá để tối ưu hóa lợi nhuận, cuối cùng người tiêu dùng chịu thiệt”, chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa khuyến nghị.
Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ VietinBank Capital đề xuất, cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng về nền tảng kinh doanh của nền kinh tế chia sẻ, tài chính chia sẻ. Trong đó, phân tách rõ đơn vị quản lý ở cấp chính phủ đối với từng hoạt động cụ thể, thay vì tập trung xây dựng luật quản trị từng doanh nghiệp.
Để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, CIEM đề xuất hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý kinh tế chia sẻ, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ.
Cùng với đó là đề xuất nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài là bên cung cấp nền tảng kết nối và hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam để xác định lỗ hổng pháp lý và bổ sung.
“Sẽ có nhiều biên giới mềm bị phá vỡ, nhiều ngành sẽ mất dần vị thế trong kinh doanh, nếu không chuyển đổi kịp thời. Nhiều hình thái huy động, đầu tư chứng khoán mới xuất hiện…, đòi hỏi phải có những đánh giá sâu sắc về đóng góp, tác động của các hình thái mới đến nền kinh tế Việt Nam, cơ hội và rủi ro khi cho phép kinh tế chia sẻ phát triển”.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận