menu
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn còn những… quan ngại
Gia Bách
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn còn những… quan ngại

​​​​​​​Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vẫn còn để lại những ý kiến trái chiều xoay quanh các đề xuất

Dù đã trải qua nhiều lần tổ chức xin ý kiến, tiếp thu và chỉnh lý, tuy nhiên, nhiều nội dung trong Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vẫn để lại những quan ngại...

Mới đây, trong văn bản kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhằm “phản bác” một số quy định trong Dự thảo lần 4 - Nghị định kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP, các Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP. Các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu cho rằng, quy định “thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau” chưa hợp lý, chưa có tính khách quan, khoa học.

Theo các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu, với quy định đã nêu, các thương nhân đầu mối sẽ lãnh đạo thị trường, khiến các thành phần doanh nghiệp còn lại rơi vào thế phụ thuộc, làm thuê cho các thương nhân đầu mối...

Đồng thời cho rằng, Nghị định quy định điều kiện gì cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đầu tư và các luật liên quan. Bởi, Luật Đầu tư nêu rõ chỉ được quy định điều kiện kinh doanh nếu thấy “cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Và điều kiện đầu tư kinh doanh phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

“Việc Nghị định không cho phép các thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau là vượt thẩm quyền và trái với Luật Đầu tư”, các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu bày tỏ.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn còn những… quan ngại

Việc Dự thảo Nghị định không cho phép các thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau tiếp tục là vấn đề nhận được sự quan tâm

Cũng theo các thương nhân này, khi doanh nghiệp đã tuân thủ, đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh như có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; có số cửa hàng sở hữu, số cửa hàng làm đại lý, kho - bể chứa, phương tiện vận tải, hệ thống phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… theo quy định thì họ phải được tự do và có đầy đủ các quyền kinh doanh đã được quy định tại Luật Thương mại…

Vì vậy, các thương nhân này kiến nghị, cơ quan quản lý cần có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn. Việc này giúp các nghiệp nhỏ và vừa trong hệ thống phân phối và bán lẻ không bị thôn tính.

Bên cạnh đó, tiếp thu một số kiến nghị cấp bách như yêu cầu sửa Dự thảo Nghị định cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu của thương nhân phân phối khác như quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên đề xuất “không cho thương nhân phân phối mua hàng của nhau” nhận về những ý kiến trái chiều, mà trước đó, ngoài các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu thì trước đó, các bộ, chuyên gia, trong đó có Bộ Tư pháp - đơn vị thẩm định Nghị định này cũng cho rằng, quy định này có nguy cơ vi phạm khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đã là thị trường, thương nhân phân phối mua ở đâu và bán ở đâu là do họ, không nên quy định hạn chế. Việc các thương nhân đầu mối được mua bán của nhau giúp chủ động điều hòa cung cầu trong phạm vi, khu vực phụ trách, đảm bảo tính linh hoạt, và ứng phó với tình trạng thiếu hụt xăng dầu xảy ra cục bộ. Do đó, đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.

“Nếu Nhà nước muốn điều tiết việc này, có thể quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán của nhau, với tỷ lệ cụ thể. Ví như, 50 - 70% mua thoải mái của doanh nghiệp đầu mối, còn lại 30% mua bán lẫn nhau. Bởi, đây chính là nghiệp vụ điều hoà thị trường”, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ.

Cùng với nội dung đã nêu, tại văn bản kiến nghị của mình, các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét lại sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì quỹ này không hiệu quả và ít phát huy tác dụng thực chất.

Bên cạnh đó, cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo quy định của Luật Giá theo hướng giá xăng dầu là mặt hàng không phải do Nhà nước định giá mà là mặt hàng bình ổn giá; còn việc quy định giá là do doanh nghiệp tự quyết định giá.

Đồng thời, phải nhất quán bảo đảm quyền thực sự cho doanh nghiệp tự định giá, thoả thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường chứ không phải doanh nghiệp được quyền tự tính giá không vượt mức chi phí, lợi nhuận (hoặc mức giá tối đa) do Nhà nước quy định như Dự thảo Nghị định.

Được biết, liên quan quy định “thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau”, tiếp thu ý kiến tại Dự thảo Nghị định mới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ 2 phương án. Cụ thể:

Phương án 1 - Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Phương án 2 - Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1.95 -0.01 (-0.56%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả