Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Vẫn còn khoảng trống về tuần hoàn tài nguyên nước
Dù đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn khoảng trống về tuần hoàn tài nguyên nước…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam tổng lượng nước cần cho các ngành kinh tế là 137 - 145 tỷ m3, dự báo đến năm 2030 là 150 tỷ m3. Tuy nhiên, lượng nước tự nhiên trên các lưu vực sông chỉ đáp ứng được 30%.
Nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia với 71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ.
Trước thực tế đã nêu, nhằm hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước, đồng thời lấp khoảng trống pháp lý của luật hiện hành, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 được cho phù hợp với tình hình mới.
Theo đó, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội gồm 10 Chương và 88 Điều, trong đó cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể, giữ nguyên 10 Điều, sửa đổi, bổ sung 62 Điều, bổ sung mới 16 Điều và bãi bỏ 8 Điều.
Các quy định được bổ sung tại Dự thảo Luật (sửa đổi) nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng những việc doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của Nhà nước hướng tới Nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng Nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước;…
Theo chuyên gia, cơ quan soạn thảo khi xây dựng, thiết kế các Điều khoản của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần chú ý tới yếu tố tuần hoàn tài nguyên nước - Ảnh minh họa: ITN
Mặc dù đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo vẫn còn rất nhiều khoảng trống, trong đó có thể kể đến tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn.
Góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, Ban soạn thảo Dự thảo Luật (sửa đổi) cần làm rõ 3 cụm từ “Sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước”, “Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước” và “Sử dụng tuần hoàn tài nguyên nước” để đảm bảo tính đầy đủ và áp dụng thực tiễn sát thực.
Bên cạnh đó, trong quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có nội dung tuần hoàn nước, cũng như vậy đối với các quy định cho sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và sử dụng mục đích khác thiếu nội dung khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và cơ chế ưu đãi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, trong bối cảnh thể chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” về cơ bản do nhu cầu thị trường chi phối, hiệu quả tài nguyên nước là sự cân đối giữa cung và cầu về tài nguyên nước, tiết kiệm tài nguyên nước phụ thuộc vào công nghệ, còn tuần hoàn tài nguyên nước cũng phụ thuộc vào công nghệ và thị trường.
Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất, cơ quan soạn thảo khi xây dựng, thiết kế các điều khoản của Dự thảo Luật (sửa đổi) cần chú ý tới yếu tố này.
Đồng quan điểm đã nêu, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương - Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, một trong những vấn đề đã được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đang rất được quan tâm đó là bảo đảm an ninh nguồn nước và tuần hoàn tái sử dụng nước, thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn tài nguyên.
Tuần hoàn tài nguyên nói chung và tài nguyên nước nói riêng được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực tuần hoàn tài nguyên nước chưa được đề cập sâu trong các Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Do vậy, dẫn đến nhiều rào cản trong việc áp dụng tái sử dụng nước trong các lĩnh vực khác nhau.
Mặt khác, hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy tuần hoàn tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam.
Do đó, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương đề xuất, cơ quan soạn thảo cần đặt vấn đề tái sử dụng nước trong Dự thảo Luật (sửa đổi), cần đưa ra định nghĩa về các khái niệm tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước, để từng bước hướng đến việc coi nước đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả thì cũng cần có các nội dung về các biện pháp, các ưu đãi, phát triển khoa học công nghệ liên quan đến việc tuần hoàn tái sử dụng nước.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không đưa nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo. Bởi, chưa thấy quốc gia nào đặt vấn đề quản lý nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, nhất là khi quản lý ở đất liền đã khó chưa nói biển khơi, mở rộng phạm vi điều chỉnh có khi lợi bất cập hại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường