Dư nợ margin chứng khoán cao kỷ lục
Dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán đã đạt gần 191.300 tỷ đồng trong quý I, mức cao nhất từ trước đến nay, thậm chí vượt hồi quý I/2022, thời điểm VN-Index lập đỉnh.
Theo thống kê mới nhất của FiinTrade, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại 48 công ty chứng khoán (đại diện 93% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành) tính đến cuối quý I/2024 đã đạt gần 191.300 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10% so với cuối năm 2023.
Đây cũng là mức dư nợ margin cao nhất từ trước đến nay, thậm chí vượt qua giai đoạn quý I/2022, thời điểm VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.500 điểm.
Trên thực tế, trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh khốc liệt vài tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua quý giao dịch khởi sắc. So với đầu năm, VN-Index đã tăng 153 điểm (+14%) và đạt đỉnh ngắn hạn ở mốc 1.274 điểm đến hết quý I, vùng cao nhất 20 tháng.
Dư nợ cho vay margin đạt đỉnh tại nhiều công ty
Hầu hết công ty chứng khoán đều chứng kiến dư nợ cho vay margin tăng trưởng nhanh trong quý đầu năm nay, dao động trên dưới 50% so với năm ngoái. Thậm chí, không ít doanh nghiệp ghi nhận dư nợ đạt kỷ lục sau đợt công bố báo cáo tài chính quý I.
Điển hình như CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đang dẫn đầu về dư nợ cho vay margin toàn ngành với hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ và tăng 17% so với đầu năm. Đây cũng là số dư nợ cho vay margin cao nhất của TCBS kể từ khi hoạt động.
Nhiều công ty chứng khoán khác như VPS (11.157 tỷ đồng), MBS (9.273 tỷ đồng), Vietcap (8.419 tỷ đồng), KIS (7.672 tỷ đồng), VCBS (5.804 tỷ đồng) hay BSC (5.260 tỷ đồng) cũng lập kỷ lục mới về dư nợ cho vay margin.
Đáng chú ý, sau khi được VPBank mua lại và đổi tên vào năm 2022, Công ty Chứng khoán ASCS (nay là Chứng khoán VPBank - VPBankS) đã lột xác nhanh chóng với dư nợ cho vay margin đến cuối quý I đạt 8.909 tỷ đồng, tăng 181% so với cùng kỳ năm 2023 và 8.601% so với quý I/2022.
Trong khi đó, dù vẫn giữ số dư cho vay margin thuộc top dẫn đầu ngành, 2 nhà môi giới lớn là SSI và VNDirect vẫn còn cách khá xa mức đỉnh ghi nhận vào đầu năm 2022, lần lượt đạt 16.957 tỷ đồng và 9.957 tỷ đồng.
Bên cạnh diễn biến tích cực của thị trường, việc mặt bằng lãi suất đang ở vùng đáy cũng là lý do thúc đẩy dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán và gia tăng nhu cầu vay margin.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng tận dụng cơ hội này để tung ra các chương trình vay margin hấp dẫn nhằm thu hút thêm nhà đầu tư. Từ mức 13-15%/năm của năm 2023, mặt bằng lãi suất vay margin của một số công ty trong những tháng đầu năm đã giảm xuống còn 6-8%/năm.
Room cho vay margin còn thừa 300.000 tỷ đồng
Dù dư nợ cho vay margin hiện ở mức cao kỷ lục, tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán mới đạt 54,5%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đồng nghĩa room cho vay margin còn lại của 48 công ty chứng khoán vẫn thừa tới gần 300.000 tỷ đồng.
Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, chỉ số ít công ty chứng khoán dẫn đầu về thị trường có tỷ lệ này trên 100%, như Mirae Asset (153%), HSC (127%) hay MBS (126%).
Trong khi đó, các ông lớn khác vẫn còn cách xa mức trần nhà điều hành cho phép này, như SSI mới chỉ đạt tỷ lệ 47%, tức thừa room cho vay margin hơn 33.500 tỷ đồng; TCBS thừa gần 39.300 tỷ đồng; VNDirect thừa hơn 25.200 tỷ đồng; Vietcap thừa 11.000 tỷ hay VPBankS thừa 28.800 tỷ đồng.
Trên thực tế, việc dư nợ cho vay margin/vốn chủ sở hữu được duy trì ở mức vừa phải chủ yếu nhờ động thái đẩy mạnh tăng vốn của các công ty chứng khoán giai đoạn vừa qua.
Điển hình như TCBS đã tăng vốn điều lệ từ 1.126 tỷ đồng lên 2.177 tỷ đồng vào năm 2023. Vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 23.622 tỷ đồng, quy mô lớn nhất ngành chứng khoán.
Cuối năm ngoái, cổ đông SSI đã thông qua phương án phát hành tổng cộng hơn 453,3 triệu cổ phiếu mới, dự kiến thu về 5.300 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên hơn 19.600 tỷ đồng. Công ty dự kiến dùng nguồn vốn mới này để cho vay margin và đầu tư vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác theo tỷ lệ do HĐQT quyết định.
Chứng khoán HSC cũng công bố kế hoạch phát hành 228,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, dự kiến thu về hơn 2.286 tỷ đồng, trong đó dùng 1.786 tỷ đồng cho vay margin và 500 tỷ đồng còn lại cho hoạt động tự doanh.
Hay như VNDirect cũng đang muốn chào bán và phát hành gần 304,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 12.178 tỷ đồng lên gần 15.223 tỷ đồng.
Với nguồn vốn tăng thêm này, VNDirect dự kiến dùng 40% để bổ sung hoạt động cho vay margin, 20% dùng để đầu tư vào giấy tờ có giá, 20% để bảo lãnh phát hành chứng khoán và 20% còn lại cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận