menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Dự kiến "khai tử" 200 cửa hàng, Thế giới Di động đang trong giai đoạn "cầm máu"?

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG - HOSE) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với doanh thu là 11.190 tỷ đồng và có tháng đầu tiên đạt mức tăng trưởng dương trong năm; lũy kế 10 tháng đạt 70.200 tỷ - giảm 21% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong cuộc họp cập nhật kết quả kinh doanh quý 3, MWG sẽ tích cực triển khai hoạt động tái cấu trúc trong quý 4 để tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và chủ động thích ứng trước bối cảnh kinh doanh mới với nhiều thách thức.

Với kế hoạch này, công ty sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng trong quý cuối năm 2023. Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận.

Dự kiến "khai tử" 200 cửa hàng, Thế giới Di động đang trong giai đoạn "cầm máu"?

Được biết, tại thời điểm cuối tháng 10/2023, MWG có khoảng 5.750 cửa hàng ở 6 chuỗi kinh doanh.

Cùng với đó, MWG cũng đang rà soát hoạt động của toàn bộ các phòng ban chức năng hướng tới vận hành tinh gọn, đảm bảo khả năng tài chính lành mạnh.

Năm 2023, đây được đánh giá là năm khó khăn đối với MWG của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài trước sự tác động của nhiều yếu tố tiềm ẩn.

Với vị thế là cổ phiếu lớn nhất ngành bán lẻ, quý 3/2023, MWG dù đạt doanh thu 30.287 tỷ đồng song lãi sau thuế công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 39 tỷ - giảm 96% YoY và tiếp tục ở vùng đáy lịch sử.

Lũy kế 9 tháng, công ty đem về gần 87.000 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng vỏn vẹn 77,4 tỷ, lần lượt giảm 15,5% và 97,8% YoY - cách rất xa mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ đã đề ra.

Dù đang sở hữu 3 chuỗi cửa hàng mang lại doanh thu chủ lực là Bách Hóa Xanh, Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, tuy nhiên lợi nhuận của MWG chủ yếu đến từ chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh trong khi Bách Hóa Xanh vẫn đang chịu lỗ. 2 mảng đem về lợi nhuận chính dù chiếm thị phần lớn trong ngành song đang bước vào giai đoạn bão hòa.

Trong khi đó, các mảng bán lẻ khác như nhà thuốc An Khang hay Bách Hóa Xanh vẫn chưa đem lại hiệu quả trên báo cáo tài chính.

Theo Kiến thức Đầu tư, việc Thế giới Di động dự kiến đóng cửa 200 cửa hàng, đây là một trong số những minh chứng cho thấy biểu hiện bão hòa ở một số mũi nhọn kinh doanh của Thế giới Di động. Tuy nhiên, tác nhân chính lại đến từ câu chuyện sức tiêu dùng trong nước đang suy yếu sau năm 2023 nhiều khó khăn. Điều này vô hình chung khiến người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu mua sắm giảm.

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô, Chứng khoán VNDirect dự báo GDP quý 4/2023 của Việt Nam sẽ tăng 7% so với cùng kỳ; tăng trưởng cả năm ở mức 5%. Con số này dù đã được cải thiện song thực tế đã không đạt chỉ tiêu 6,5% đã được Quốc hội thông qua.

Yếu tố khác là việc tăng trưởng tín dụng đang chưa đạt kỳ vọng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 24/10, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022 trong đó tín dụng kể từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn. Dù vậy, đây vẫn là mức thấp so với kế hoạch.

Ngay từ đầu năm 2023, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14 - 15%. Đến cuộc họp ngày 10/7, mục tiêu này được thống nhất là 14% cho toàn hệ thống.

Việc thắt chặt chi tiêu không chỉ diễn ra ở các lĩnh vực bán lẻ mà còn có thể nhìn thấy rõ nét ở thị trường địa ốc. Theo số liệu công bố của Bộ Xây dựng, 10 tháng kể từ đầu năm, lượng giao dịch bất động sản giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, chỉ riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến 30/9 dù giảm nhẹ song vẫn ghi nhận mức 448.625 tỷ đồng (tương đương hơn 18 tỷ USD).

Câu chuyện doanh nghiệp "thiếu máu", lượng cung hàng èo uột trong khi nhu cầu ở thực giảm trước vòng xoay thắt chặt chi tiêu khiến giao dịch trên thị trường địa ốc chủ yếu là mua đi bán lại hàng cũ.

Việc lướt sóng bất động sản giai đoạn hiện tại cũng là minh chứng cho bức tranh triển vọng vẫn khá tù mù trước mắt. Sau tháng 11 ghi nhận nhịp hồi phục khá mạnh, có thể động thái xả hàng ở nhóm cổ phiếu này sẽ sớm quay trở lại.

Tất cả những dẫn chứng trên đều dẫn đến thực trạng thắt chặt chi tiêu, kiểm soát hầu bao của người dân. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều cửa hàng Thế giới Di động bị đặt trong trạng thái kinh doanh không hiệu quả.

Trong "liệu trình" điều trị từ phát bệnh - khám bệnh - chữa bệnh (cầm máu) - dưỡng bệnh và hồi phục, MWG mới đi được phân nửa chặng đường; giai đoạn "cầm máu" vẫn chưa kết thúc và công ty vẫn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp tối ưu chi phí thông qua giảm số lượng điểm bán, tinh giảm bộ máy,...

Như vậy, với câu chuyện đầu tư cổ phiếu MWG, lộ trình tích sản cho mục tiêu dài hạn của nhà đầu tư cũng cần thêm rất nhiều sự kiên nhẫn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại