Dự báo tác động chính sách của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ mới đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam
Việc ông Donald Trump tái đắc cử và áp dụng các chính sách kinh tế bảo hộ đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Vào ngày 6/11/2024, ông Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào tháng 1/2025, khởi đầu cho Kỷ nguyên Trump 2.0-được dự báo sẽ tạo ra những biến động đáng kể trên thị trường tài chính quốc tế. Ngay sau chiến thắng của ông, thị trường chứng khoán và tiền điện tử đã tăng vọt, phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế mới.
Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn do các chính sách bảo hộ từ chính quyền D. Trump. Ông D. Trump được xem là một nhà lãnh đạo khó đoán, thường hành động theo thời cuộc hơn là theo các nguyên tắc chính trị truyền thống. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông đã đề xuất nhiều chính sách kinh tế mang tính bảo hộ, cắt giảm thuế sâu rộng và rút lui khỏi một số hiệp định quốc tế.
Những động thái này khiến các quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế lo ngại về những thay đổi tiềm tàng trong hệ thống kinh tế toàn cầu như nguy cơ gia tăng lạm phát, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và sự suy giảm xuất khẩu từ các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, căng thẳng thương mại leo thang và các biện pháp trả đũa từ các đối tác quốc tế có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc ông trở lại Nhà Trắng đặt ra nhiều câu hỏi về tác động của các biện pháp mới trong Kỷ nguyên Trump 2.0.
Cụ thể, ông D. Trump đề xuất cắt giảm thuế trên diện rộng, bao gồm việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 21% hiện tại xuống 15%. Đồng thời, ông cũng đề xuất một loạt các chương trình chi tiêu mới nhằm thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù mục tiêu của ông là bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và tạo việc làm cho người lao động Mỹ, nhưng việc cắt giảm thuế mạnh mẽ có thể làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang. Theo ước tính, kế hoạch thuế và chi tiêu của ông có thể tăng tổng nợ công của Mỹ lên tới 7,75 nghìn tỷ USD. Nợ công tăng có thể dẫn đến việc Mỹ phải phát hành nhiều trái phiếu hơn, đẩy lãi suất toàn cầu tăng lên. Theo dự báo, lãi suất toàn cầu có thể tăng thêm 0,5-1% do ảnh hưởng từ chính sách tài khóa của Mỹ.
Ông D. Trump cũng dự định áp đặt mức thuế quan 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, và đặc biệt là 60% hoặc cao hơn đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR), nếu ông thực hiện chính sách này, GDP toàn cầu có thể giảm 2% sau 5 năm. Điều này tương đương với việc mất đi khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị kinh tế toàn cầu.
Việc áp đặt thuế quan cao cũng có thể gây ra lạm phát. Khi giá hàng nhập khẩu tăng, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho nhiều sản phẩm, từ hàng điện tử đến quần áo. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ buộc phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dẫn đến chi phí vay vốn cao hơn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các quốc gia xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản sẽ chịu tác động nặng nề, do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Việc Mỹ áp đặt thuế quan cao có thể dẫn đến phản ứng trả đũa từ các đối tác thương mại, gây ra một cuộc chiến thương mại toàn diện. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trước đây đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,9% vào năm 2019, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Chính sách thuế của ông D. Trump có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tăng chi phí vận chuyển, biến động tỷ giá đồng USD và sự gia tăng bất ổn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, sẽ phải tìm kiếm nguồn cung ứng mới hoặc chuyển dịch sản xuất, gây ra sự gián đoạn và tăng chi phí. Hiện tại, phí vận tải biển đang ở mức thấp, nhưng tình hình có thể thay đổi nếu căng thẳng thương mại leo thang. Tất cả những biến động này đều liên quan đến xung đột thương mại và chiến tranh.
Theo một báo cáo, khi ông D. Trump tăng thuế lên Trung Quốc năm 2018, giá cước vận chuyển container đường biển toàn cầu đã tăng hơn 70%. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giảm cầu từ các thị trường lớn có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế khu vực khoảng 0,2-0,5%.
Có thể thấy, Trung Quốc là mục tiêu chính trong chính sách thương mại của ông D. Trump và sẽ chịu tác động lớn nhất từ thuế quan cao. Việc áp đặt thuế quan 60% hoặc cao hơn có thể làm giảm hơn 4% xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP khoảng 2,4%. GDP của Trung Quốc năm 2023 đạt khoảng 17,7 nghìn tỷ USD. Việc giảm 2,4% GDP như dự báo có nghĩa là mất khoảng 424 tỷ USD trong sản lượng kinh tế.
Ngoài ra, ông D. Trump còn tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi các hiệp định thương mại và tổ chức quốc tế như WTO, bởi ông cho rằng chúng không có lợi cho Mỹ. Ông không thích các hiệp định đa phương, thay vào đó ưa chuộng các thỏa thuận song phương để tối đa hóa lợi ích cho Mỹ. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thương mại toàn cầu, dẫn đến sự tan rã của các nguyên tắc thương mại quốc tế. Khi thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, các quốc gia có thể tự ý áp đặt các biện pháp bảo hộ đơn phương, gia tăng căng thẳng thương mại. Sự không chắc chắn trong thương mại quốc tế có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông D. Trump được cho là sẽ có lập trường khác biệt về xung đột Nga - Ukraine. Có ý kiến cho rằng ông có thể thúc đẩy một giải pháp để kết thúc chiến tranh trong tương lai gần. Nếu chiến tranh chấm dứt, giá vàng và dầu có thể giảm do giảm bớt rủi ro địa chính trị. Tuy nhiên, việc này cũng có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu và ảnh hưởng đến các liên minh quốc tế, tạo ra sự bất định trong quan hệ ngoại giao và an ninh.
Cơ hội và thách thức của các ngành kinh tế tại Việt Nam
Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính trong chiến lược thương mại của ông D. Trump. Việc áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn (stagflation), ông Trump có thể sẽ tránh những chính sách quá cứng rắn, vì điều này sẽ đẩy giá trị đồng USD lên cao, khiến nỗ lực đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ trở nên kém hiệu quả.
Ông D. Trump là người khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và ông Biden quyết định tiếp tục duy trì "cuộc chiến" này, cho thấy cả hai vị tổng thống thuộc hai đảng chính trị của Mỹ đều coi đây là chính sách chiến lược. Thực tế, Việt Nam có thể được coi là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào các sản phẩm giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc. Việt Nam có thể sản xuất những sản phẩm mà người tiêu dùng Mỹ muốn mua nhưng quá đắt để sản xuất tại Mỹ và không muốn nhập khẩu từ Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi thế trong thương mại với Mỹ, vì nhiều sản phẩm Việt Nam có thể thay thế hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Các sản phẩm Việt Nam có giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng Mỹ và không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các chính sách bảo hộ của ông Trump.
Cụ thể, ngành dệt may Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị phần tại Mỹ khi các sản phẩm từ Trung Quốc đối diện mức thuế cao. Xuất khẩu dệt may sang Mỹ hiện chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Với mức thuế cao tới 60% đối với hàng dệt may Trung Quốc, Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại Mỹ nhờ chi phí lao động cạnh tranh và năng lực cung ứng ổn định. Đặc biệt, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại Mỹ đã đạt 15%, và có khả năng tăng mạnh nếu các chính sách thương mại này được áp dụng.
Thị trường Mỹ có thể là điểm đến tiềm năng cho cá tra của Việt Nam, đặc biệt là khi sản phẩm này có thể thay thế cá rô phi của Trung Quốc-một đối thủ chính bị ảnh hưởng bởi thuế quan cao. Cá tra Việt Nam hiện là loại cá da trơn được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ, vượt qua cá rô phi trong năm 2024.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chính sách thuế cao của Mỹ đối với Trung Quốc. Việt Nam hiện là một trong những nhà cung cấp gỗ lớn cho thị trường Mỹ và có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm gỗ chế biến và đồ nội thất.
Việt Nam có thể hưởng lợi ngắn hạn khi các doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan, giúp cho Việt Nam được lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), vì Việt Nam cung cấp chi phí sản xuất thấp và lao động dồi dào. Trong năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD (tính đến ngày 20/12/2023), giải ngân đạt 23,18 tỷ USD - mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2018-2023, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Do vậy, ngành bất động sản khu công nghiệp có thể được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư này.
Ngoài ra, sự chuyển dịch sản xuất có thể giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong các ngành công nghiệp như điện tử, công nghệ thông tin và sản xuất linh kiện. Việt Nam, với vị trí địa lý gần Trung Quốc và chi phí lao động cạnh tranh, đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ tìm kiếm địa điểm mới nhằm tránh các rào cản thương mại. Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung và LG trong việc mở rộng đầu tư vào sản xuất chip và linh kiện điện tử.
Đặc biệt, kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD của tỷ phú Elon Musk thông qua SpaceX vào Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho xu hướng này. Sự hiện diện của Wistron NeWeb Corporation (WNC) và Shenmao Technology sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn và công nghệ cao tại Việt Nam. Nhà máy của WNC tại Hà Nam dự kiến tăng gấp đôi lực lượng lao động lên 6.000 nhân viên, cho thấy triển vọng về nhu cầu lao động cho lĩnh vực này.
Việc SpaceX và các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam không chỉ mang lại nguồn vốn lớn mà còn là cơ hội chuyển giao công nghệ tiên tiến, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngành logistics có thể nhận được lợi ích ngắn hạn từ nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến của Mỹ trước khi các mức thuế quan mới được thực thi. Sự gia tăng về khối lượng vận chuyển trong ngắn hạn sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp logistics. Bên cạnh đó, các yếu tố như chuỗi cung ứng kéo dài và giá cước vận tải biển neo cao sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục được hưởng lợi.
Tuy nhiên, thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ có thể khiến chính quyền ông Trump chú ý. Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này bằng cách tăng cường nhập khẩu các sản phẩm lớn từ Mỹ, chẳng hạn như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và động cơ máy bay. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp đặt các biện pháp thương mại nếu Việt Nam không kiểm soát tốt vấn đề xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại. Trước đây, Mỹ đã từng điều tra Việt Nam về việc thao túng tiền tệ và gian lận xuất xứ hàng hóa. Nếu ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Việt Nam, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông D. Trump, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã giúp Việt Nam thu hút nhiều dòng đầu tư sản xuất từ Trung Quốc. Lần này, nhiều khả năng xu hướng này vẫn tiếp diễn, tuy nhiên có thể sẽ không còn nóng như trước do chi phí lao động và hạ tầng tăng cao có thể trở thành thách thức làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia.
Chính sách tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch của ông Trump cùng với việc giảm căng thẳng tại Trung Đông có thể làm tăng nguồn cung dầu khí, đẩy giá dầu xuống thấp. Điều này gây áp lực đến các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam, nhưng cũng có thể giúp giảm lạm phát trong nước nhờ giá năng lượng thấp hơn.
Tận dụng cơ hội
Việc ông D. Trump tái đắc cử và áp dụng các chính sách kinh tế bảo hộ đã đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và linh hoạt để ứng phó với những thách thức mới, đồng thời tận dụng các cơ hội tiềm năng. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro khi một thị trường gặp biến động và tạo ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới với nhu cầu đa dạng. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm cơ hội thâm nhập các thị trường mới như Tây Á và Trung Đông.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Trung Đông đã đạt khoảng 15 tỷ USD trong năm 2023, trong đó kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và UAE đã đạt 5 tỷ USD, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là nông sản và sản phẩm công nghiệp nhẹ. Việc mở rộng thị trường sang khu vực này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Để làm được điều này, Chính phủ cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và ký kết các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia Tây Á và Trung Đông.
Thứ hai, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, năng lượng và đào tạo lao động để nâng cao khả năng hấp thụ vốn FDI. Việc cải thiện hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí và tăng hiệu quả. Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, năng lượng và đào tạo lao động để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Ước tính Việt Nam cần ít nhất 25-30 tỷ USD hàng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tương đương gần 600 tỷ USD cho đến năm 2040. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao và bền vững.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động. Tăng cường minh bạch và hiệu quả quản lý nhà nước sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ ba, Việt Nam cần tích cực tham gia vào các diễn đàn kinh tế quốc tế, tuân thủ các quy định thương mại toàn cầu để xây dựng quan hệ đối tác bền vững và tránh xung đột thương mại. Việt Nam cần minh bạch trong các chính sách thương mại và kiểm soát tốt vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận