24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nguyễn Trường Giang Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự báo năm 2023: Xung đột mang tính kết cấu Trung - Mỹ ngày càng tăng - Phần cuối

Ngoài ra, Mỹ luôn hoài nghi về việc Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các cam kết. Tại phiên điều trần trước Quốc hội, Katherine Tai nói rằng: “Mặc dù Trung Quốc đưa ra nhiều cam kết trong các cuộc đàm phán với Mỹ, nhưng Mỹ ít nhìn thấy các hành động tiếp theo hoặc những thay đổi thực sự của Trung Quốc”.

Theo quan điểm của Mỹ, trong bối cảnh không có tổ chức thẩm quyền thứ ba có thể tin cậy được, Mỹ buộc phải bảo lưu năng lực hành động đơn phương, thông qua tăng cường trừng phạt đối với các hành vi không thực hiện nghĩa vụ thỏa thuận để ngăn chặn bất cứ hành vi né tránh nghĩa vụ thỏa thuận nào của Trung Quốc. Với lý do này, trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Mỹ yêu cầu bảo lưu quyền đơn phương đánh giá định kỳ việc Trung Quốc có thực hiện nghĩa vụ của thỏa thuận hay không, đơn phương thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại, cũng như rút khỏi thỏa thuận bất cứ lúc nào mà không gặp trở ngại.

Bất đồng lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là nhận thức đối với chức năng của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước, nếu một trong hai bên không đưa ra thỏa hiệp mang tính căn bản, thì dường như không thể đạt được thỏa thuận thương mại ổn định lâu dài. Không có sự hỗ trợ của thỏa thuận song phương ổn định lâu dài, nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ ngày càng tách rời.

Về mối quan ngại của Mỹ trong việc làm giảm và xóa bỏ mất cân bằng thương mại, mặc dù có tranh cãi về mức độ, tiến độ và phương pháp, chẳng hạn Trung Quốc sẽ yêu cầu thống nhất phương pháp thống kê của hải quan hai bên, yêu cầu kéo dài thời gian cần thiết để cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, cân bằng thương mại, yêu cầu Mỹ nới lỏng kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao đối với Trung Quốc, nhưng sau cùng hai nước vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận.

Trên thực tế, trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc đã cam kết mở rộng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ lao động và môi trường mà Mỹ quan tâm, mặc dù giữa hai nước cũng sẽ phải đối diện với những khó khăn trong quá trình đàm phán, nhưng vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận.

Trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, có hai chương đặc biệt đề cập đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Trung Quốc đồng ý đẩy mạnh một cách thiết thực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm bí mật thương mại, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thuốc, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu…, đồng ý chấm dứt biện pháp cưỡng ép hoặc gây sức ép để các công ty nước ngoài coi chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc là điều kiện để được tiếp cận thị trường, phê duyệt hành chính hoặc nhận được ưu đãi từ chính phủ từ lâu nay. Về nâng cao độ minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính có thể dự báo của chính sách, Trung Quốc cũng đã đưa ra cam kết cụ thể trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Tuy nhiên, về việc cải cách mô hình kinh tế và vấn đề cắt giảm đối đẳng hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tình hình lại hoàn toàn không giống như vậy, hai bên có lập trường đối lập mang tính căn bản. Đối với Trung Quốc, doanh nghiệp nhà nước là cơ sở cầm quyền quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phát huy tốt hơn vai trò của chính phủ là đặc sắc và lợi thế của thể chế kinh tế thị trường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói: “Làm cho doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng tin cậy nhất của Đảng và Nhà nước, trở thành lực lượng quan trọng kiên quyết quán triệt và thực hiện việc triển khai các quyết sách của Trung ương Đảng, trở thành lực lượng quan trọng thực hiện các chiến lược lớn như chiến lược “đi ra ngoài”, xây dựng Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trở thành lực lượng quan trọng để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm và cải thiện đời sống dân sinh, trở thành lực lượng quan trọng để Đảng ta giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh vĩ đại có nhiều đặc điểm lịch sử mới”.

Báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tái khẳng định cần “phát huy tốt hơn nữa vai trò của chính phủ” trong quá trình phát triển kinh tế. Rõ ràng, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, vấn đề chức năng kinh tế nhà nước đều là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc, nên rất khó để Trung Quốc đưa ra nhượng bộ về cam kết chính phủ duy trì lập trường trung lập trong quá trình điều hành nền kinh tế theo tiêu chuẩn của phương Tây, không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, không dành cho doanh nghiệp nhà nước những trợ cấp đặc biệt và ưu đãi chính sách, cho phép doanh nghiệp nhà nước triển khai hoạt động kinh doanh trên cơ sở tuân thủ hoàn toàn các quy tắc thương mại.

Điều này có nghĩa là nếu Mỹ không từ bỏ chủ trương trong những vấn đề này, thì hai bên sẽ không thể đạt được thỏa thuận ổn định lâu dài. Điều không may là khi xem xét các động thái của Mỹ, dường như nước này cũng không có ý định thỏa hiệp.

Do đó, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu sức ép lớn hơn trong thời gian tới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 năm 2020 gây ra đã cho thấy các vấn đề như việc đi lại giữa hai bên bị cản trở, dòng tiền gặp nhiều vấn đề, chuỗi cung ứng thiếu giải pháp dự phòng, tồn tại rủi ro an ninh kinh tế rất lớn, một khi bùng phát sẽ không thể khắc phục. Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra khiến vấn đề an ninh địa chính trị toàn cầu trở nên phức tạp hơn.

Trong bối cảnh này, ngay cả khi thể chế kinh tế hoàn thiện, các nước cũng sẽ phải xem xét lại được và mất từ tiến trình toàn cầu hóa, xem xét lại logic thương mại và đầu tư quốc tế dựa trên lợi thế so sánh truyền thống, định hướng hiệu quả, chú trọng nhiều hơn đến các biến số an ninh và rủi ro, đồng thời coi đây là tư duy điểm giới hạn để đi sâu vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng lại quy tắc quản trị kinh tế quốc tế.

Câu lạc bộ hóa, phân mảnh hóa kinh tế sẽ là lựa chọn mà các nước phải đưa ra để ứng phó với rủi ro an ninh. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, xuất phát từ cân nhắc an ninh kinh tế, Mỹ và Trung Quốc giữ khoảng cách nhất định là điều hợp lý. Mặc dù lịch sử đã xuất hiện bước ngoặt, “tách rời” tạm thời khó tránh khỏi, nhưng làm thế nào để đạt được sự tách rời có trật tự và nhẹ nhàng, hạn chế tối đa tác động đối với kinh tế, tránh gây thêm xung đột trên nhiều lĩnh vực, để lại dư địa cho sự hợp tác mang tính lịch sử tiếp theo sẽ là phép thử quan trọng đối với trí tuệ chính trị của cả Trung Quốc và Mỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Lê Nguyễn Trường Giang Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả