Dự báo năm 2023: Xung đột mang tính kết cấu Trung – Mỹ ngày càng tăng – Phần I
Theo trang mạng ftchinese.com mới đây, kể từ khi Mỹ khởi xướng điều tra theo Mục 301 của Đạo luật thương mại năm 1974 vào tháng 8/2017, xung đột thương mại Trung – Mỹ đã kéo dài hơn 5 năm và Thỏa thuận thương mại Trung – Mỹ giai đoạn 1 cũng đã được ký kết gần 3 năm.
Trong khoảng thời gian này, đại dịch COVID-19, xung đột quân sự Nga-Ukraine lần lượt nổ ra, nguồn cung toàn cầu bị tác động nghiêm trọng, nhiều nền kinh tế đang phát triển đứng bên bờ vực sụp đổ, một số quốc gia châu Phi một lần nữa đối diện với mối đe dọa của nạn đói. Trong bối cảnh này, cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ đầu tiên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào ngày 14/11 đã nhận được sự quan tâm rộng rãi.
Chủ tịch Trung QUốc Tập Cận Bình vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba trước cuộc gặp, và đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên cầm quyền. Tầm quan trọng của cuộc hội đàm lần này đối với việc quan sát quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ, thậm chí là xu hướng cục diện kinh tế thương mại toàn cầu là điều không thể tranh cãi. Điều đáng tiếc là mặc dù hợp tác kinh tế và thương mại là vấn đề quan trọng của cuộc gặp lần này, nhưng ngoài việc nhắc lại lập trường của nhau, hai bên không đạt được bất cứ thành quả thực chất nào. Kết quả của cuộc gặp lần này trên thực tế không hề bất ngờ. Xét đến vấn đề mâu thuẫn mang tính kết cấu và mất cân bằng thương mại tồn tại lâu nay giữa hai nền kinh tế, trong bầu không khí chính trị nội bộ của Mỹ và môi trường địa chính trị toàn cầu hiện nay, ít nhà quan sát có kỳ vọng lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế thương mại Trung-Mỹ. Dưới sự thúc đẩy của các lực lượng khác nhau, đặc biệt là Chính phủ Mỹ, hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ ngày càng tách rời và ngày càng khó đảo ngược xu thế tách rời này.
Về vấn đề kinh tế và ngoại thương, hiện chưa nhìn thấy sự khác biệt thực sự nào giữa Chính quyền Joe Biden và chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, mặc dù định hướng của cả hai chính quyền về chính sách kinh tế trong nước là hoàn toàn khác nhau. Điểm khác nhau là Chính quyền Joe Biden dấn sâu hơn vào con đường của học thuyết chính trị Machiavelli, thích sử dụng mỹ từ để che đậy mục đích thực sự.
Một mặt, Chính quyền Biden tiếp tục theo đuổi cái gọi là “thương mại công bằng”. Tại phiên điều trần trước Quốc hội vào ngày 31/3/2021, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Chính quyền Joe Biden sẽ thực hiện rộng rãi chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm. Tuy nhiên, xét từ những thành tựu đàm phán thương mại trong năm 2021 mà Katherine Tai đưa ra, cho dù là đàm phán thuế quan mang tính trả đũa với Liên minh châu Âu (EU) và Anh về máy bay dân dụng, đàm phán với Nhật Bản về cơ chế bảo hộ kích hoạt ba bên trong xuất khẩu thịt bò, đàm phán xuất khẩu thịt heo với Ấn Độ, hay đàm phán về hiệp định khung thương mại và đầu tư với Việt Nam và Philippines, tất cả đều hướng đến yêu cầu các đối tác thương mại giảm thuế nhập khẩu và các rào cản khác đối với hàng hóa của Mỹ.
Rõ ràng, trọng tâm chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm của Chính quyền Joe Biden chính là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Mỹ, không khác với mục tiêu chính sách thương mại “tự do và công bằng” của Chính quyền Donald Trump.
Cho dù lấy người lao động làm trung tâm để cấm các đối tác thương mại hạ thấp tiêu chuẩn bảo hộ lao động và mức độ thực thi pháp luật, hay ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu để cấm các đối tác thương mại né tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường, tất cả đều nhằm tránh mở rộng những bất lợi về chi phí lao động và môi trường cho Mỹ. Trên thực tế, trong phiên điều trần Katherine Tai cũng nêu rõ “Thương mại phải xuất phát từ cạnh tranh công bằng”.
Mặt khác, đàm phán thương mại tiếp tục lấy cơ chế song phương và khu vực làm trọng điểm. Mặc dù Chính quyền Joe Biden không trực tiếp công kích Tổ chức thương mại thế giới (WTO) như chính quyền Donald Trump, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đối với WTO, sẵn sàng thúc đẩy cải cách WTO, nhưng đến nay vẫn cản trở việc khởi động trình tự lựa chọn thẩm phán của Cơ quan phúc thẩm WTO, trên thực tế là đang thúc đẩy hơn nữa việc WTO bị gạt ra ngoài lề.
Bên cạnh đó, Chính quyền Joe Biden đang đầu tư nhiều nguồn lực vào việc xây dựng các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực, không những triển khai đàm phán thương mại tự do với các nước như Việt Nam, Philippines…, mà còn phối hợp với Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Đương nhiên, không phải là Chính quyền Joe Biden không muốn duy trì các cơ chế đa phương do Mỹ khởi xướng và xây dựng như WTO, mà là họ muốn WTO vận hành theo phương thức phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Điều không may là nền kinh tế Mỹ không có khả năng cạnh tranh dưới cơ chế WTO hiện nay. Hơn nữa, với nguyên tắc “một nước nhiều phiếu bầu, nhất trí đồng ý”, việc cải cách WTO dường như là một nhiệm vụ không thể hoàn thành. Trong bối cảnh này, việc gạt WTO ra ngoài lề và chuyển hướng sang cơ chế song phương và khu vực trở thành lựa chọn hợp lý của Mỹ khi xây dựng lại khuôn khổ ngoại thương.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận