24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Phượng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự báo hướng chảy của dòng tiền tháng 5

Với mức tăng hơn 16%, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lọt Top các thị trường có mức tăng tốt nhất trong tháng 4 và cũng lập kỷ lục về đà tăng theo tháng kể từ năm 2009. Điều này sẽ tạo áp lực cho thị trường trong tháng 5.

Không có dòng tiền dài hạn, đà tăng khó bền

Chỉ số VN-Index đã có chuỗi tăng liên tục hiếm có trong tháng 4, với thanh khoản được cải thiện, đã xuất hiện những phiên khớp lệnh trên 4.100 tỷ đồng ở sàn HOSE, bất chấp đà bán ròng liên tiếp từ khối ngoại.

Nhiều cổ phiếu ghi nhận tăng từ 30 - 40%, trong đó, có một số mã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 4 như FRT 91%, MWG 38,7%, VHC 44,88%, DCM 60%, VEA 36%, HVN 52%… so với mức đáy. Hầu hết các nhóm cổ phiếu chủ chốt đã thoát đáy từ 7,6 - 35,9%.

Nhìn lại diễn biến của thị trường chứng khoán tháng 4, có thể thấy, đà phục hồi gần như không dựa trên những yếu tố cơ bản, khi mà những con số thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế trong nước và thế giới suy giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Lý do hợp lý nhất để giải thích cho đợt phục hồi vừa qua là xu hướng tự nhiên của dòng tiền khi có cơ hội bắt đáy cổ phiếu, cùng niềm lạc quan của nhà đầu tư về sự tái mở cửa hoạt động kinh doanh hậu dịch bệnh.

Thậm chí, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém tích cực, thua lỗ vẫn có mức tăng rất tốt.

Khối nội đã góp phần đáng kể trong việc duy trì và thúc đẩy đà tăng thanh khoản cũng như sự sôi động của thị trường chứng khoán trong tháng 4 vừa qua.

Nhìn vào dòng tiền trên thị trường thời gian qua, có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức trong nước, tự doanh công ty chứng khoán đều bán ròng. Nhà đầu tư cá nhân là nhóm mua ròng duy nhất.

Tuy nhiên, nhận định được ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank đưa ra, xu hướng thị trường trong tháng 5 sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, sau giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh, chỉ số VN-Index đã ghi nhận hồi phục khoảng 20% trong tháng 4, nhiều cổ phiếu đã ghi nhận tăng 20 - 40% so với vùng đáy lập trong tháng 3, có cổ phiếu tăng trên 50% nên áp lực chốt lãi sẽ khiến cho đà tăng khó được duy trì. Chỉ số chủ yếu sẽ theo chiều hướng đi ngang, thậm chí điều chỉnh về ngưỡng 700 điểm.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 và có phần giảm tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên, quý II sẽ còn “xấu” hơn vì lúc này những khó khăn mới thực sự “thấm”.

Về xu hướng dòng tiền, ông Trung cho rằng, mặc dù đà bán ròng của khối ngoại đang có dấu hiệu chững lại, nhưng diễn biến 14 tuần liên tiếp bán ròng của khối này cũng sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là khối nhà đầu tư cá nhân.

Đây cũng là lực lượng chính tham gia thị trường trong thời gian gần đây.

Thực tế, tâm lý và động thái mua bán của nhà đầu tư nội khó tránh khỏi ảnh hưởng từ việc bán ròng không ngừng nghỉ của khối ngoại.

Sau kỳ nghỉ lễ, dường như dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm trong phiên sáng đầu tiên của tháng 5.

“Nhà đầu tư cá nhân vốn thường đầu tư ngắn hạn nên sẽ khó duy trì dòng chảy vốn tích cực trong thời gian dài, nếu không có sự tương hỗ của các dòng vốn khác trên thị trường. Do vậy, chứng khoán tháng 5 sẽ ít nhiều chịu áp lực. Trường hợp tích cực nhất có thể là duy trì đà tăng chậm trong bối cảnh giá đã tăng quá mạnh hồi tháng 4”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng nêu quan điểm.

Hơn nữa, theo ông Khánh, kinh tế có triển vọng phục hồi sau đại dịch nhưng điều này không phải sẽ diễn ra trong ngày một ngày hai, mà cần thời gian dài.

Các doanh nghiệp cũng cần phải thu hút lại khách hàng, người dân bị ảnh hưởng thu nhập nên phải tiết kiệm nhiều hơn, chưa thể thúc đẩy tiêu dùng một cách mạnh mẽ, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trong khi đó, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, Việt Nam vẫn đang trong quá trình “thích nghi” với những biến động lớn trên thế giới.

So với quý I, thanh khoản của thị trường trong quý II được kỳ vọng sẽ tiếp tục có sự cải thiện cả về giá trị và khối lượng giao dịch nhờ sự gia tăng của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền trong nước.

Ông Hoàng cũng cho rằng, sau chuỗi bán ròng hơn 3 tháng qua, khối ngoại nhiều khả năng cũng sẽ quay trở lại mua ròng ở giai đoạn cuối quý II.

VCBS đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cho năm 2020 ở mức 4,4-4,9%, lạm phát cả năm ở mức 3,4 - 3,9%. Trong đó, dòng tiền đầu tư trực tiếp (FDI) sẽ bị gián đoạn trong những tháng đầu năm và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) sẽ có xu hướng rút khỏi thị trường (bán ròng) ít nhất là trong nửa đầu 2020.

Cơ hội lựa chọn cổ phiếu khó khăn hơn

Tháng 4 đã trôi qua với sự hồi phục đáng kể của hầu hết các cổ phiếu, nhưng sang tháng 5, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ phân hóa mạnh và cơ hội sẽ đến với từng cổ phiếu riêng biệt.

Xét trên bình diện toàn thị trường, dĩ nhiên số doanh nghiệp chịu thiệt hại từ dịch bệnh sẽ nhiều hơn hẳn so với số doanh nghiệp được hưởng lợi, nên kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp được dự báo sẽ có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Dòng tiền hiện đang chảy luân phiên từ các cổ phiếu được hưởng lợi từ giá dầu giảm như phân bón, hóa chất, nhựa, săm lốp…, đến các cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, như đường, xi măng, thép.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán, với kịch bản thị trường đi ngang, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 5 thì nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn vẫn có xu hướng hỗ trợ điểm số, nhưng sẽ không quá lớn.

Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đang đưa ra xu hướng tích cực với một số cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công như vật liệu xây dựng (thép, xi măng, đá), xây dựng; cổ phiếu công nghệ như FPT khi xu thế số hóa, làm việc online được đẩy mạnh trong thời dịch bệnh; hay cổ phiếu ngành bán lẻ như MWG, PNJ... và bất động sản khu công nghiệp, nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy.

Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận cơ hội khi nguồn lực đã suy yếu do dịch bệnh. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng và lựa chọn cổ phiếu tiêu biểu nhất để giải ngân cho danh mục của mình.

MBS đưa ra những gợi ý cụ thể cho những cổ phiếu có triển vọng trong ngắn hạn như nhóm công nghệ: FPT; bán lẻ: MWG, PNJ, DGW; thực phẩm: VNM, MSN; phát điện như REE, POW, PPC; dược phẩm: DBD, IMP, DNM; vật liệu xây dựng: HPG, VGC; nhóm được hưởng lợi từ giá dầu giảm như DRC, BMP, AAA hay nhóm bất động sản khu công nghiệp như PHR, KBC, LHG.

Theo quan điểm của MBS, những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang có quỹ đất sẵn và dồi dào về dòng tiền thì cơ hội phát triển dài hạn có nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Đây cũng là lĩnh vực sẵn sàng tiếp nhận làn sóng FDI sẽ dịch chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Đào Tuấn Trung đánh giá, thực tế thị trường đang tập trung vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ “sóng” đầu tư công hay giá dầu giảm… song nhóm này cũng đã ghi nhận tăng thời gian qua, những kỳ vọng đã được phản ánh vào giá.

“Thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ phân hóa rất mạnh mẽ, đặc biệt khi kết quả kinh doanh quý II/2020 của khối doanh nghiệp niêm yết dần hé lộ”, ông Trung nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả