Dự báo, giá lợn hơi sẽ tiếp tục phục hồi nhưng không có biến động lớn
Sau thời gian giảm mạnh, hiện giá lợn hơi đã phục hồi lên mức trên dưới 50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi được nhận định sẽ tiếp tục tăng, nhưng sẽ không có biến động lớn do lượng tiêu thụ lợn vẫn còn thấp so với mức bình quân trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19.
Giá lợn hơi quý III/2021 giảm từ 26,1 - 30% so với quý trước đó
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý III/2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi trong nước. Tại nhiều địa phương, giá các mặt hàng chăn nuôi giảm mạnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tái đàn thời gian tới. Trong quý III/2021, giá lợn hơi trung bình trên cả nước giảm mạnh 26,1 - 30% so với quý trước đó, xuống khoảng 43.000 - 49.000 đồng/kg. Xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra đến ngày 22/10/2021, đặc biệt có một số địa phương giá xuống khoảng 30.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện, giá lợn hơi đã phục hồi nhẹ sau khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. Cụ thể, giá lợn hơi hôm nay (4/11) tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 46.000 - 49.000 đồng/kg; còn tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên dao động trong khoảng 46.000 - 48.000 đồng/kg; giá lợn hơi khu vực miền Nam cũng đang dao động trong khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn mát Meat Deli từ trang vinmart.com ngày 4/11 tiếp tục ghi nhận ổn định so với ngày hôm trước. Hiện mức giá đang bán dao động trong khoảng 129.900 - 189.900 đồng/kg. Cụ thể, nạc vai và thịt ba rọi đang có giá bán lần lượt là 139.900 đồng/kg và 189.900 đồng/kg. Tương tự, giá thịt lợn tại Công ty Thực phẩm tươi sống Hà Hiền ngày 4/11 tiếp tục duy trì ổn định so với ngày hôm trước. Hiện mức giá đang bán trong khoảng 56.000 - 143.000 đồng/kg.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, do nhu cầu yếu nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam có xu hướng giảm trong quý III/2021. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III/2021, Việt Nam nhập khẩu 183,56 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 335,72 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 16,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga, Hoa Kỳ, Brazil, Đức và Ấn Độ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.
Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, trong quý III/2021, Việt Nam nhập khẩu 42,02 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 96,68 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga, Brazil, Đức, Canada và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong quý III/2021 với 15,88 nghìn tấn, trị giá 43,48 triệu USD, giảm 5,1% về lượng và giảm 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn tiêu thụ trong nước, phần lớn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu được tiêu thụ tại các nhà hàng. Sức mua giảm do dịch vụ ăn uống ngoài gia đình phục hồi chậm, nguồn cung dư thừa, cùng với việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn nên khả năng thời gian tới nhu cầu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt sẽ tiếp tục giảm.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - cho biết, mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng bán thịt, các chợ và các siêu thị khu vực nội thành của 2 thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, dao động trong khoảng từ 110.000 - 200.000 đồng/kg tùy theo loại thịt, có loại như thịt nọng tới 415.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tăng cao do khâu lưu thông phân phối. Còn tại các sạp thịt lợn ở các chợ truyền thống vùng nông thôn, do không phải vận chuyển đi xa nên giá thịt lợn từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Với mức giá này là hài hòa lợi ích 3 khâu sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng.
Giá lợn hơi dự báo sẽ tiếp tục phục hồi
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dự kiến thời gian tới, giá lợn hơi tiếp tục phục hồi, nhưng sẽ không có biến động lớn do lượng tiêu thụ lợn vẫn còn thấp so với mức bình quân trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Ngoài ra dịp Tết nguyên đán là thời điểm được kỳ vọng giá lợn hơi tăng bởi nhu cầu của người dân cao.
Về phía địa phương, ông Phạm Văn Bông- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương- cho biết, giá thịt lợn hơi tại địa phương đã tăng trở lại và nếu duy trì được sẽ đảm bảo được lợi ích cho người chăn nuôi. Dự kiến, đến Tết Nguyên đán, nguồn cung ứng thịt sẽ được đảm bảo do tỉnh đã có những chính sách khuyến khích người chăn nuôi từ bây giờ.
Trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Nhâm Dần - thời điểm nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng khoảng 10-15%, việc đảm bảo nguồn cung các sản phẩm thịt, trứng, sữa dịp cuối năm là rất cần thiết.
Đảm bảo cung cầu, song song với tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, về phía Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ để khôi phục sản xuất; có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận