Dự báo GDP tăng trưởng chậm lại, Techcombank dự định gì cho năm 2020?
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) tỏ ra khá lạc quan và kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2020 tiếp tục tăng trưởng ổn định trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo giảm xuống ở mức 6.3%.
Khó đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 14% như năm 2019 do dịch Covid-19
Tại sự kiện Gặp gỡ chuyên gia phân tích do Techcombank tổ chức gần đây, ông Vũ Minh Trường - Giám đốc nguồn vốn và thị trường tài chính của Techcombank chia sẻ trước đây dự phóng tăng trường GDP của Việt Nam trong năm 2020 ở mức 6.8%, tương đương với mức mà Chính phủ đề ra nhưng với tình hình dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng GDP trên toàn cầu cũng như của Việt Nam sẽ chậm lại khoảng 0.4%-0.5.
Techcombank cũng đưa ra trường hợp nếu dịch bệnh Covid-19 được ngăn chặn vào cuối tháng 3/2020 hoặc tháng 6/2020 thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6.2%-6.3% mà chủ yếu liên quan đến nhóm khách hàng dịch vụ du lịch và một số doanh nghiệp xuất khẩu có hoạt động thương mại tập trung chủ yếu với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Techcombank vẫn đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn bình thường. Tuy CPI của Việt Nam trong quý 1/2020 tăng khá cao nhưng chỉ là tạm thời do giá thịt lợn tăng trong khi năm 2020, giá dầu được dự báo sẽ giữ ở mức tương đối thấp và khả năng Chính phủ Việt Nam vẫn kiểm soát được giá các nguyên liệu đầu vào khác như điện, y tế, giáo dục. Theo đó, Techcombank dự báo CPI sẽ ở mức dưới 4% theo như chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra.
Về vấn đề tỷ giá, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam mất giá khá nhiều. Trong đó đồng Thái Bath mất giá khoảng 6%, đồng Won Hàn Quốc mất giá khoảng 5% và đồng Singapore mất giá khoảng 3-4%, nhưng đồng Việt Nam khá ổn định, chỉ mất giá khoảng 0.2%-0.3%.
Theo ông Trường, trong năm 2020, nguồn thu về ngoại hối sẽ mất khoảng 5 tỷ USD từ nguồn thu nhập du lịch, khả năng cao Việt Nam sẽ không mua được 20 tỷ USD như năm ngoái, nhưng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ mua được thêm 10 tỷ USD nữa giúp Việt Nam có dự trữ ngoại hối ở mức 90 tỷ USD.
Qua đó, với tình hình tỷ giá biến động nhẹ sẽ đảm bảo các hoạt động thanh toán quốc tế, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cũng là khách hàng của Techcombank vẫn duy trì ở mức tốt và không có quá nhiều rủi ro.
Theo số liệu khảo sát từ khách hàng của Techcombank, nhu cầu vốn của khách hàng có hoạt động thương mại với Trung Quốc có phần giảm xuống, do đó, khả năng để đạt được mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% như năm 2019 sẽ khó khăn trong khi tăng trưởng huy động vẫn ở mức tốt.
Techcombank nhận định, lãi suất liên ngân hàng năm 2020 sẽ dao động quanh mức 5% và mục tiêu giảm lãi suất cho vay và huy động của Ngân hàng Nhà nước sẽ được Techcombank tiếp cận.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nhất định bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn ổn định và có động lực để tăng trưởng.
Tập trung vào 6 lĩnh vực kinh tế trọng điểm
Cũng tại sự kiện, ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc khối quản trị ngân hàng của Techcombank chia sẻ hầu hết các mục tiêu trong chiến lược 5 năm (2016-2020) của Techcombank cơ bản đều được hoàn thành vào thời điểm kết thúc năm 2019 và mở đầu năm 2020. Trong đó, Techcombank đã đạt hơn 10% thị phần về phân khúc khách hàng thu nhập cao và cho vay mua nhà. Ngoài ra, Techcombank đang đẩy mạnh hoạt động bacasurance, thẻ, giao dịch số qua thẻ...
Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trong doanh thu của Techcombank đã đạt 32% và được kỳ vọng trong 2020 sẽ tiếp tục gia tăng.
Đáng chú ý, Techcombank có tỷ lệ tăng trưởng CASA ở mức cao trong những năm vừa qua, giúp giảm chi phí hoạt động trong cơ cấu chi phí. Điều này giúp Techcombank đạt được mức thu nhập từ huy động cao hơn từ cho vay, qua đó đây cũng là xu hướng được Techcombank duy trì trong thời gian tới, giúp cải thiện đáng kể thu nhập của Techcombank trong năm 2020. Số lượng khách hàng mới trong năm 2019 của Techcombank đã đạt mức trên 1 triệu khách hàng, gấp đôi số lượng khách hàng mới của những năm trước đó.
Techcombank cho biết sẽ tiếp tục tập trung cơ cấu dư nợ vào các phân khúc trọng tâm với chiến lược “rủi ro thấp, lợi nhuận cao” cũng như dịch chuyển dần tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn sang nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặt trọng tâm vào nhóm khách hàng bán lẻ. Đồng thời tập trung vào 6 lĩnh vực kinh tế trọng điểm có đóng góp trên 50% GDP của Việt Nam bao gồm lĩnh vực cho vay nhà ở, lĩnh vực cho vay ô tô, dịch vụ tài chính, du lịch và giải trí, viễn thông và tiện ích, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Riêng trong phân khúc cho vay nhà ở, Techcombank sẽ không chỉ tiếp cận đến những khách hàng vay lớn là chủ sở hữu hay người đầu tư vào dự án phát triển bất động sản mà còn có những nhà thầu, cung cấp nguyên liệu cho dự án, phù hợp với phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ theo trọng tâm của Techcombank. Ngoài ra, Techcombank còn tiếp cận đến người tiêu dùng cuối cùng là khách hàng cá nhân mua nhà thuộc phân khúc khách hàng có thu nhập khá và cao trong lĩnh vực bán lẻ của Techcombank. Điều này giúp Techcombank quản lý được chuỗi giá trị từ giai đoạn phát triển dự án đến giai đoạn cho vay cuối cùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận