Dự án sân bay quốc tế Long Thành: Bộ GTVT kiến nghị giao ACV, chuyên gia lo quy hoạch manh mún
ACV vừa được Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng nhất đề xuất giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng thuận phương án giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành.
Giao ACV đầu tư không dùng vốn ODA
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất phương án giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, khai thác CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo lý giải của đơn vị này, phương án sẽ giúp Nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển KT-XH của đất nước, đảm bảo an ninh, an toàn, phối hợp tốt hoạt động dân dụng và quân sự tại CHK quốc tế Long Thành.
Đáng lưu ý, theo Bộ GTVT, việc giao ACV làm nhà đầu tư, khai thác sân bay Long Thành sẽ không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA.
Theo phương án tài chính, nếu được giao là nhà đầu tư, khai thác, hàng năm ACV sẽ có thêm nguồn thu từ 2.390 - 4.780 tỷ đồng (tương đương 100 - 200 triệu USD) để nộp ngân sách Nhà nước hoặc tích lũy đầu tư phát triển các cảng hàng không như: Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu... phục vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
4.700 tỷ đồng cho 2 đường kết nối
Được biết, ACV hiện cũng đề xuất đưa 2 tuyến đường kết nối số 1 và số 2 với Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án giai đoạn 1.
Theo đó, 2 tuyến đường huyết mạch kết nối với dự án sân bay bao gồm: tuyến đường số 1 nối từ quốc lộ 51 vào đến sân bay Long Thành, dài 3,8 km, đây là tuyến đường liên thông kết nối trực tiếp với đường trục ra vào sân bay.
Tuyến số 2 bắt đầu từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1, song song với quốc lộ 51, trùng với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 12,5 km.
Ngoài ra, tuyến số 3 kết nối trực tiếp từ phía sau sân bay Long Thành (phía đông) nối với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được ACV kiến nghị chưa cần đầu tư ngay trong giai đoạn 1 mà đưa vào giai đoạn 2 thực hiện.
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là336.630 tỷ đồng(tương đương hơn16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn thực hiện. Diện tích đất của dự án là 5.000 ha với công suất thiết kế ở giai đoạn 3 là 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo kiến nghị, ACV là đơn vị được giao làm chủ đầu tư 2 tuyến đường này với tổng vốn xây dựng khoảng 4.700 tỉ đồng. Nguồn vốn để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng 2 tuyến đường này sẽ lấy từ vốn của ACV để thực hiện, không liên quan đến phần vốn Quốc hội giao cho Đồng Nai thực hiện giải phóng mặt bằng sân bay.
Đại diện Sở GTVT cho biết đang thực hiện các thủ tục đấu thầu tư vấn, sau đó cắm mốc quy hoạch rồi mới giải phóng mặt bằng. Theo quy định, khi báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng sân bay được Chính phủ phê duyệt mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, đánh giá của chuyên gia lo ngại xảy ra tình trạng quy hoạch manh mún. Do đó, toàn bộ quy hoạch tổng thể của Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần được tích hợp lại trong 1 bộ hồ sơ trình Quốc hội thông qua 1 lần duy nhất.
CHK quốc tế Long Thành là dự án đầu tư CHK mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định không đấu thầu mà giao ACV (là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 95,4% cổ phần đang quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không của cả nước) trực tiếp đầu tư, khai thác cảng. Theo Nghị quyết 94/2015/QH13, dự án này sẽ được Quốc hội thông qua trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư, do vậy Quốc hội sẽ có Nghị quyết về chấp thuận phương án và hình thức đầu tư CHK Long Thành. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận