Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Nên mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 05/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật Nhà ở (sửa đổi). Tán thành cao với sự cần thiết xây dựng luật, các đại biểu cho rằng cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân các cụm doanh nghiệp.
Các đại biểu đánh giá Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định trong các văn bản dưới luật đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, khoản 6 Điều 73 quy định công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đại biểu cho rằng, hiện nay, các cụm doanh nghiệp đang xuất hiện nhiều, phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động, để đảm bảo đủ điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, cần bổ sung thêm đối tượng công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.
Cũng tại Điều 73, khoản 12 có quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định tại mục 3 của Chương này. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm “nhà ở xã hội” trong quy định này, bởi khái niệm nhà lưu trú công nhân chưa có trong các quy định khác. Đại biểu phản ánh, thực tế hiện nay việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp đều được triển khai, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014. Việc đáp ứng nhu cầu thuê của doanh nghiệp, công nhân là việc rất quan trọng.
Về đất để xây dựng nhà ở xã hội, khoản 3 Điều 80 trong dự thảo luật có quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi địa bàn.
Đại biểu cho rằng quy định này chưa rõ ràng, chưa định lượng cụ thể được dành “tỷ lệ nhất định” là bao nhiêu, dẫn đến không thống nhất trong triển khai thực hiện. Vì vậy, cần quy định rõ tỷ lệ cụ thể để đảm bảo tính rõ ràng trong văn bản pháp luật, giúp các địa phương triển khai một cách nhất quán, đồng bộ.
Chủ đầu tư không nhất thiết phải có kinh nghiệm làm nhà ở xã hội
Đóng góp ý kiến về khoản 9 Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cơ quan soạn thảo cân nhắc việc chỉ được xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Theo đó, đối với những khu công nghiệp đã hình thành, không còn quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú, nếu quy định cứng như trong dự thảo sẽ gây khó trên thực tế. Do đó, đại biểu cho rằng có thể quy định bố trí, xây nhà lưu trú cho công nhân trong bán kính nhất định xung quanh khu công nghiệp để có độ mở cao hơn, và hiệu quả hơn khi triển khai trong thực tế.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 37 quy định “Có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đối với từng loại dự án theo quy định của Luật này”. Đại biểu bày tỏ không đồng tình với nội dung này, cho rằng quy định trên là không cần thiết, chưa phù hợp với thực tế. Bởi chủ đầu tư không nhất thiết phải có năng lực, kinh nghiệm, họ có thể thuê quản lý và đầu tư xây dựng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về quy định này.
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 74 về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội có quy định đối tượng là hộ gia đình nghèo, cận nghèo cư trú tại khu vực thành thị không được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở. Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay, tại các đô thị miền núi không có sự khác biệt quá lớn về hộ nghèo, hộ cận nghèo nông thôn và hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực đô thị miền núi. Nếu quy định như trên sẽ rất thiệt thòi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của đô thị vùng miền núi. Đại biểu cho rằng, cần quy định theo hướng mở hơn để các hộ trên đều được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu rõ, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm thể chế các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, nhằm giải quyết căn cơ những vướng mắc trong thời gian qua đối với việc thực hiện các chính sách liên quan đến nhà ở cũng như những vướng mắc liên quan tới sửa chữa, cải tạo, nâng cao các khu chung cư quá hạn sử dụng và xuống cấp. Mặc dù quyết tâm của các cấp lãnh đạo rất lớn nhưng việc chuyển biến vẫn còn hạn chế. Do đó, để giải quyết được các vướng mắc trên, việc sửa đổi luật trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.
Quan tâm tới phạm vi điều chỉnh tại Điều 2 dự thảo Luật, đại biểu cho biết, nội dung về đối tượng áp dụng có nêu “Luật này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, làm rõ khái niệm “hộ gia đình” trong dự thảo Luật này nhằm thống nhất, phù hợp với quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình tại Điều 212 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Tham gia thảo luận tại tổ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là cần thiết, tuy nhiên, khi thi công cần tính toán cả những nhu cầu thiết yếu của người lưu trú, để trên địa bàn có cả siêu thị, trường học, cơ sở y tế, các dịch vụ xã hội, các thiết chế văn hóa để phục vụ đời sống người công nhân, để dần hình thành khu dân cư sinh sống lâu dài.
Đối với việc cải tạo chung cư, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng xung quanh việc di dời người dân ra khỏi khu chung cư cũ nguy hiểm còn có những quan điểm, ý kiến khác nhau, đặc biệt là về tỷ lệ đồng thuận trong cộng đồng để thực hiện di dời. Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất đối chiếu với quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để đưa ra tỷ lệ phần trăm hợp lý, khả thi trong áp dụng thực tiễn.
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo Luật, tuy nhiên, việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cần có sự tham gia của UBND cấp tỉnh để đảm bảo điều kiện nhà ở cho người dân địa phương, đồng thời cũng cần có mức độ can thiệp hợp lý, không hành chính hóa thái quá, can thiệp quá sâu dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản của địa phương.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát các kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh, đối chiếu với các loại quy hoạch đang thực hiện như quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch tỉnh để đảm bảo hài hòa, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đại biểu cho biết, Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến đã nêu trong phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật tổ chức, quy định trong dự thảo luật cơ bản khắc phục được những vướng mắc hiện tại. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cần thiết để đảm bảohiệu quả khi áp dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận