Đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 Nhiệt điện Thái Bình 2: Đại dự án hồi sinh sau 'giải cứu'
Sau nhiều nỗ lực “giải cứu” của cơ quan chức năng, ngày 23/2, Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 đã đốt dầu lần đầu cho tổ máy phát điện số 1. Đây là mốc đánh dấu sự hồi sinh của đại dự án nhiệt điện với kỳ vọng là đầu kéo cho tăng trưởng vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay vừa gieo sạ mùa lúa mới của huyện Thái Thuỵ (Thái Bình), xa xa đã thấy lừng lững ống khói của Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2. Nằm trên diện tích khoảng 250 ha, dự án NMNĐ Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, gần như lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc bộ.
Những ngày này, công trường của đại dự án có vốn đầu tư gần 2 tỷ USD không còn cảnh ngổn ngang thiết bị hoen gỉ, đắp chiếu. Để lắp đặt thiết bị cho kịp mốc đốt dầu lần đầu ngày 23/2, công trường sáng đèn cả ngày lẫn đêm. Kỹ sư thay nhau làm việc 3 ca/ngày. Trên công trường luôn có khoảng 500 lao động, kỹ sư. Ngay cả những ngày Tết, người lao động vẫn làm việc để kịp tiến độ.
Ngay cổng vào NMNĐ Thái Bình 2, nhà xe của kỹ sư, công nhân chật kín. Vừa bước ra cổng dự án, sau ca làm việc buổi sáng, chúng tôi gặp kỹ sư Vũ Văn Anh - thuộc nhà thầu lắp thiết bị cho nhà máy. Cách đây gần 2 năm, anh Vũ Văn Anh được công ty cắt cử tới thi công ở NMNĐ Thái Bình 2 trong bối cảnh tràn ngập thông tin khó khăn.
“Những ngày đầu nhận việc, toàn thông tin tiêu cực về nhà máy khiến tôi cũng e ngại. Từ ngày nhà máy khởi động lại, công nhân đổ về nhà máy ngày càng nhiều. Không khí nhộn nhịp trên công trường cho thấy nhà máy đang hồi sinh trở lại. Chúng tôi mong nhà máy sớm vận hành để mang lại lợi ích cho xã hội và tạo công ăn việc làm cho anh em công nhân”, anh Văn Anh chia sẻ.
Anh Xuân Hồng, kỹ sư thuộc nhà thầu thi công hạng mục nhà chứa than của dự án cho biết, dự kiến tháng 4/2022, nhà thầu của anh sẽ hoàn thành hạng mục. Đã 5 năm theo dự án, đây là cái Tết đầu tiên anh Hồng và đồng nghiệp làm việc xuyên Tết để kịp tiến độ dự án đề ra.
“Là một trong những người thi công trực tiếp trên công trường, thời điểm dự án gặp khó khăn chung, người lao động thuộc nhà thầu chúng tôi cố gắng “sống chết” cùng tổng thầu hoàn thành dự án. Trong thời gian dịch bệnh, nếu người nào không may nhiễm COVID-19 sẽ ở nhà theo dõi, người nào khoẻ tiếp tục làm việc trên công trường. Một số nhà thầu chuẩn bị khu nhà ở riêng cho người lao động nhiễm COVID-19”, anh Xuân Hồng chia sẻ.
Sau nhiều năm đóng băng, đến nay dự án NMNĐ Thái Bình 2 đạt mốc tiến độ đầu tiên, phấn đấu hoà lưới điện quốc gia vào ngày 30/4 và mốc đốt than lần đầu ngày 16/6. Đây là hai mốc sẽ tạo đà cho việc vận hành thương mại tổ máy số 1 vào ngày 30/11 và hoàn thành trong năm 2022. Được biết, đến nay, tiến độ dự án đạt khoảng 88,7%. Trong đó, công tác thiết kế đạt gần 100%; mua sắm đạt gần 96%; thi công xây lắp đạt gần 88%.
Những trăn trở bên ngoài nhà máy
Trước khi có Dự án NMNĐ Thái Bình 2, các xã Mỹ Lộc, Thái Đô (huyện Thái Thuỵ, Thái Bình) vốn là xã nghèo. Từ bao đời, người dân sống dựa vào cây lúa, nuôi trồng thuỷ hải sản và đi biển. Dự án được cấp phép, người dân xã Mỹ Lộc đã nhường lại gần 260 ha đất, bằng gần 1 nửa đất nông nghiệp vốn là kế sinh nhai của những người nông dân.
Đối diện nhà máy, qua con sông nhỏ, hàng loạt ngôi nhà cao tầng khang trang của người dân đã và đang tiếp tục mọc lên. Đang lúi húi quét sân trước ngôi nhà 2 tầng bề thế, nhìn thẳng ra NMNĐ Thái Bình 2, bà Trịnh Thị Sim - 75 tuổi, người dân xã Thái Đô cho biết, dự án được xây dựng giúp người dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng thay đổi cuộc sống. Trước khi có nhà máy, trong gia đình bà Sim, con gái bám đồng ruộng, con trai lênh đênh ra khơi. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, không quản nắng mưa, rét mướt chỉ đủ ăn. Từ ngày có dự án, con trai bà về làm công nhân trong nhà máy, mỗi ngày được 250.000 đồng. Có thu nhập ổn định, gia đình bà xây ngôi nhà 2 tầng khang trang cho công nhân, kỹ sư thuê với số tiền 5 triệu đồng/tháng.
“Dự án xây dựng nhà máy giúp con cháu chúng tôi có thêm công việc. Từ đó giúp các con có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống, vừa được gần gia đình chăm sóc bố mẹ già, con nhỏ. Đàn ông có công việc trong công trường, phụ nữ ở nhà trông coi nhà trọ, buôn bán”, bà Sim chia sẻ.
Cạnh nhà bà Sim, chị Đinh Thị Dự (50 tuổi) cặm cụi rửa bát đũa sau buổi bán bún buổi sáng. Sinh ra, lớn lên gắn bó với đồng ruộng không đủ ăn, vợ chồng chị Dự phải ly hương, tìm lên Hà Nội bán rau ở các chợ cóc kiếm tiền nuôi con ăn học. Khi dự án xây dựng, trở về mảnh đất của cha ông, vợ chồng chị dựng quán nhỏ bán đồ ăn sáng. Phần đất ở, chị Dự dựng phòng trọ cho công nhân dự án thuê trọ.
Khởi công từ năm 2011, dự án NMNĐ Thái Bình 2 là dự án nguồn điện cấp bách thuộc Tổng sơ đồ điện 7, dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014. Tuy nhiên, trong khi thực hiện dự án xảy ra sai phạm khiến nhà máy chậm tiến độ.
“Khi có dự án, vợ chồng tôi về quê dựng quán bán đồ ăn cho công nhân, xây phòng trọ cho thuê. Thu nhập của gia đình ổn định hơn làm ruộng, đi biển. Giai đoạn nhà máy dừng xây dựng, công nhân giảm sút cũng từng khiến chúng tôi lao đao. Từ năm 2021 trở lại đây, công trường nhộn nhịp, con trai tôi cũng vừa xin được vào làm công nhân thời vụ của nhà máy. Nghe nói nhà máy đốt lò sắp sửa phát điện chúng tôi mừng lắm”, chị Dự chia sẻ.
Ánh mắt xa xăm nhìn về hướng cột khói nhà máy lừng lững trước mặt, chị Dự bộc bạch, mong ước của chị và người dân nơi đây là nhà máy sớm đi vào hoạt động và tuyển dụng lao động tại địa phương để các con chị có cơ hội làm việc ổn định ngay trên quê hương.
Ông Ngô Quốc Lộ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết, khi có dự án NMNĐ Thái Bình 2, người dân trong xã nhường đất nông nghiệp cho dự án. Sau khi nhường đất, một số hộ dân xung quanh nhà máy mở hàng quán, xây nhà trọ cho thuê để kiếm thêm thu nhập. Dự án NMNĐ Thái Bình 2 tạo việc làm thời vụ cho một số lượng ít lao động phổ thông.
Theo đại diện UBND xã Mỹ Lộc, từ khi có dự án, địa phương bắt đầu đối mặt một số nguy cơ như tiếng ồn, an ninh trật tự nhiều phức tạp, tệ nạn xã hội có dấu hiệu gia tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận