Đồng won và thị trường chứng khoán Hàn Quốc 'lặn ngụp' trong biến động toàn cầu
Đồng won của Hàn Quốc đã xuống dưới mức ngưỡng tâm lý 1.200 đối với đồng bạc xanh lần đầu tiên trong 14 tháng qua, khi các lo ngại về lạm phát gia tăng và tăng trưởng suy giảm khiến nhà đầu tư chựng bước. Cổ phiếu Samsung Electronics cũng sụt giảm 3% trong hôm nay, và lợi nhuận của tập đoàn được dự báo sẽ suy giảm liên tiếp trong ba quý sắp tới.
Tỷ giá sáng nay giảm 0,5% xuống còn 1.200,4 won ăn 1 đô la sáng 12-10 trên thị trường hối đoái Seoul. Từ đầu năm đến nay, đồng won đã mất 9% giá trị – đây là mức tệ thứ hai ở châu Á sau đồng baht của Thái Lan.
Đồng won đã gặp nhiều sức ép kể từ tháng 5 năm nay khi đồng đô la tiếp tục tăng giá và chính phủ Hàn Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch. Tâm lý bán tháo đồng tiền ngày tăng mạnh khi các quỹ toàn cầu bắt đầu từ bỏ thị trường Hàn Quốc khi có các lo ngại về triển vọng của ngành công nghiệp chip nhớ và lo âu rằng Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ.
“Nếu giá năng lượng tiếp tục gia tăng, đồng won ngày càng mất giá và trượt thấp còn 1.250 won ăn 1 đô la. Lạm phát sẽ làm gia tăng nỗi lo ngại về siết chặt chính sách của Fed và tăng chi phí doanh nghiệp. Tất cả sẽ tạo sức ép lên đồng tiền Hàn Quốc”, nhà kinh tế Ha Keon-hyeong của hãng đầu tư Shinhan Investment Corp nhận định.
Cuộc họp bảy thành viên của Hội đồng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) hôm nay quyết định duy trì lãi suất ở mức cũ là 0,75%. Tuy nhiên, Thống đốc Lee Ju-yeol nói rằng ngân hàng trung ương đang xem xét can thiệp thị trường ngoại hối trong nỗ lực ngăn cản đồng won tiếp tục mất giá mạnh so với đô xanh.
“Chúng tôi dự định sẽ bình ổn thị trường, nếu cần thiết, sẽ xem xét trình trạng bất định ở bên ngoài một cách cẩn thận. Hiện tỷ giá won – đô la đã tăng nhanh hơn so với các loại tiền tệ chính”, Thống đốc Lee phát biểu trong một cuộc họp báo trực tiếp.
Thống đốc Lee cũng ngầm nói rằng ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất chuẩn khi nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu khởi sắc. BOK dự báo GDP tăng 4% trong năm nay, và lạm phát sẽ vượt mốc 2%.
“Nếu mọi việc diễn biến như kỳ vọng, chúng tôi có thể xem xét thêm đợt tăng lãi suất vào lần tới. Tôi nghĩ rằng điều chỉnh lĩnh vực bất động sản, nhà ở cần tiếp tục”, Thống đốc Lee nói.
Quyết định duy trì lãi suất lần này bị hai thành viên của Hội đồng chính sách tiền tệ của BOK phản đối mạnh mẽ. Nhưng các nhà quan sát nói rằng việc tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 25-11 tới hầu như nằm trong dự báo.
Đây sẽ là ưu tiên chính của BOK bởi ưu tiên chính hiện giờ là kiểm soát nguy cơ tài chính trong bối cảnh khối nợ gia đình và giá nhà tăng vọt. “Thị trường tài chính đang định giá theo cách mà chúng tôi tin rằng sẽ có đợt tăng lãi suất trong tháng tới”, nhà kinh tế Alex Holmes của Capital Economics bình luận với Bloomberg.
Holmes cho rằng tình hình lúc này là lạc quan bởi dữ liệu hàng tháng cho thấy mức độ hồi phục khiêm tốn trong quí 3. Tiến triển nhanh của đợt tiêm chủng đã khiến triển vọng các hạn chế đi lại sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn và tiêu dùng cá nhân sẽ hồi phục nhanh trong quí 4 này.
Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư đang dao động bởi hàng loạt yếu tố bất định từ bên ngoài, bao gồm nguy cơ vỡ nợ của Evergrande và các công ty bất động sản khác ở Trung Quốc, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, cả gia tăng đối đầu thương mại Mỹ – Trung và cả tốc độ tăng trưởng chững lại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nỗi lo này đã thúc đẩy nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc, khiến chỉ số KOSPI sụt giảm dưới mức 3.000 điểm trong tuần rồi. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, KOSPI tụt xuống còn 2916,38 điểm. Đây là lần đầu tiên tâm lý nhà đầu tư dao động dữ dội nhất trong hơn sáu tháng qua.
Giá chip giảm, lợi nhuận Samsung bị trì kéo
Giá cổ phiếu của Samsung Electronics – công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất ở Hàn Quốc – đã giảm hơn 3% trong phiên giao dịch hôm nay 12-10, ở mức 69.000 won. Tình trạng bất định về kinh tế vĩ mô đã tác động đến nhu cầu hàng tiêu dùng điện tử, về mặt nào đó có thể tổn thương đà tăng trưởng của Samsung.
Tính từ đầu tháng 12-2020, theo Korea Times, đây là lần đầu tiên cố phiếu Samsung sụt giảm dưới ngưỡng 70.000 won. Các nhà đầu tư nước ngoài và định chế đã bán ròng 12 triệu cổ phiếu, tiếp nối đợt bán tháo cuối tháng 9 rồi. Trong suốt 10 phiên giao dịch vừa qua, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đã không bán ra, nhưng kế từ phiên 9-10 mọi sự đã thay đổi. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá cổ phiếu của Samsung đã giảm gần 20%
Các chuyên gia thị trường nói rằng chiều trượt đáy của một hãng blue chip phụ thuộc phần lớn vào các yếu tố vĩ mô toàn cầu vốn tích tụ bấy lâu. Đà này có thể ảnh hưởng đến kinh doanh của Samsung trong năm 2022.
“Tình trạng bất định vĩ mô toàn cầu từ khủng hoảng thanh khoản của tập đoàn địa ốc Trung Quốc Evergrande, thiếu hụt năng lượng toàn cầu, dữ liệu việc làm không khả quan như dự báo tại Mỹ, cùng nỗi lo lạm phát cũng như giá nguyên liệu thô gia tăng. Các yếu tố này sẽ lâu dài, ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu và hệ quả là lợi nhuận của Samsung trong năm 2022 bị tác động”, nhà phân tích Lee Seung-woo thuộc hãng Eugene Investment & Securities phát biểu.
Nhà phân tích này cũng dự báo rằng lợi nhuận trong nửa đầu năm 2022 của Samsung Electronics sẽ suy giảm. Trừ phi tình hình tiếp tục không tệ hơn trong những tháng tới, lợi nhuận của gã khổng lồ có thể bước vào vòng tăng trưởng mới trong nửa cuối năm 2022.
Giá chip nhớ dự báo sẽ suy giảm trong năm tới do nhu cầu ở Mỹ và Trung Quốc sẽ sụt giảm bởi cả hai cỗ máy kinh tế lớn nhất toàn cầu dự kiến là sẽ mất đà trong năm tới. Hệ quả là Samsung chịu ảnh hưởng bởi hãng này là nhà cung ứng chip nhớ lớn nhất thế giới.
“Xu hướng chip nhớ mất giá sẽ tiếp tục mạnh hơn, và dự kiến sẽ làm kết quả kinh doanh của Samsung yếu đi trong sáu tháng đầu năm 2022”, nhà phân tích Kim Sun-woo của hãng Meritz Securities nhận định.
Giới quan sát đang kêu gọi dàn lãnh đạo cấp cao của tập đoàn chú ý đến các thương vụ sáp nhập hợp lý vào lúc này để tăng tính cạnh tranh toàn cầu của Samsung. Bởi chiến lược M&A khoa học và mạnh mẽ có thể giúp Samsung lấy lại sức mạnh.
Các hãng chứng khoán đang giảm mức giá mục tiêu với cổ phiếu Samsung, mặc cho kết quả kinh doanh khả quan của hãng trong quí 3. Điều này thể hiện nỗi lo lắng về tình trạng bất định của toàn cầu trong quí cuối.
Goldman Sachs đã hạ giá mục tiêu 7%, từ 107.000 won xuống còn 100.000 won. Ngân hàng này nói lý do là giá chất bán dẫn suy giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của Samsung dù cho kết quả quí 3 lạc quan đi nữa.
Các hãng chứng khoán khác cũng hành động tương tự. Shinhan Financial Investment đã hạ từ 100.000 won xuống 96.000 won, trong khi KB Securities lại hạ từ 105.000 won còn 100.000 won.
Tăng trưởng kinh tế chững lại ở Trung Quốc cũng tác động xấu đến Hàn Quốc bởi thị trường khổng lồ này chiếm đến 25-30% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Tình trạng thiếu hụt năng lượng là cú bồi kế tiếp đến các ngành công nghiệp nội địa, đặc biệt là thép và chip ở Trung Quốc. Sau sản xuất, khủng hoảng năng lượng còn ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng đại lục, khiến lợi nhuận của các công ty Hàn Quốc suy giảm. Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc sẽ chịu tác động lớn nhất bởi chiếm 25% xuất khẩu, kế đến là ngành công nghiệp xe hơi và hóa dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận