Dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán
Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại thị trường chứng khoán với cơ sở đó là định giá hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận và tiến trình nâng hạng.
Bên cạnh diễn biến không mấy tích cực của nhà đầu tư trong nước khiến thị trường chung có thêm tuần giao dịch vừa qua kém lạc quan, khối ngoại cũng tiếp tục đẩy mạnh bán ròng, với giá trị gần 1.500 tỉ đồng.
Câu chuyện bán ròng của khối ngoại hiện nay không gây áp lực lớn lên thị trường nhưng vẫn còn nhiều tác động. Nhìn lại năm 2024, thị trường đã chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài rút ròng lớn nhất trong vòng 20 năm qua, rút hơn 3,1 tỉ USD, tuy nhiên VN-Index vẫn neo giữ ở mức cao, biên 1.200 - 1.300 điểm.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research - đưa ra dữ liệu, giai đoạn 2005 - 2007, thị trường chứng khoán có sóng gia nhập vào WTO, đã thu hút được 2-3 tỉ USD.
Giai đoạn sóng thoái vốn Nhà nước (từ năm 2016 - 2018), thị trường đã hút được lượng tiền lớn từ nước ngoài. Kỳ vọng thị trường đang ở con sóng lớn thứ 3 là sóng nâng hạng thị trường ở nửa cuối 2025.
Theo quan điểm của chuyên gia phân tích Trần Hoàng Sơn, giai đoạn cuối 2024 đến nửa đầu 2025, thanh khoản có thể đi ngang trên nền trung bình và thấp. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2025, kể từ tháng 8, thanh khoản sẽ tăng cao, được kích hoạt nhờ nâng hạng khi dòng tiền trong nước và khối ngoại gia tăng mua trở lại.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực và thị trường mới nổi (Emerging Market). P/E hiện tại thấp hơn trung vị 10 năm.
Dự báo từ nay đến hết năm 2024, với bối cảnh áp lực bán ròng của khối ngoại, tỉ giá tăng cao và nửa đầu năm 2025 có thể đón nhận chính sách thuế mới của ông Trump nên VN-Index sẽ dao động quanh vùng 1.200 - 1.300 điểm.
Với kịch bản thị trường được nâng hạng vào tháng 9.2025, thanh khoản thị trường sẽ tăng bật lại, khối ngoại mua ròng tháng 8 và 9.2025.
Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE, còn điều kiện quan trọng là thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ. Hiện Trung tâm đang được hoàn thiện, do đó dự báo thị trường sẽ đáp ứng đủ các tiêu chí nâng hạng trong tháng 9.2025.
Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỉ USD vốn thụ động, 6-7 tỉ USD vốn chủ động. Nhìn lại các quốc gia đã có câu chuyện nâng hạng, dòng vốn vào rất mạnh. Riêng Trung Quốc, nhóm cổ phiếu A đã huy động được 200 tỉ USD.
TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư chiến lược của DG Capital có quan điểm - cho rằng, việc nâng hạng thị trường là điều kiện nhưng không phải là tất cả để thu hút dòng vốn ngoại. Vốn ngoại quay trở lại hay không là nhìn vào chênh lệch lãi suất, nhìn vào chính sách lãi suất của Mỹ có thể giảm mạnh mẽ về 2% như trước đây không?
Các chuyên gia phân tích cũng đồng quan điểm cho rằng, thị trường chứng Việt Nam tiềm năng rất lớn do đang ở nền định giá thấp, còn thị trường Mỹ ở nền định giá rất cao.
Các chuyên gia kỳ vọng đến một lúc nào đó, thị trường Mỹ sẽ không còn hấp dẫn dòng vốn đổ vào, lãi suất hạ khiến dòng vốn vào cổ phiếu lẫn trái phiếu Mỹ đảo chiều, khi đó, tiền sẽ chảy vào các nền kinh tế mới nổi (Emerging Market). Thị trường nào tận dụng được cơ hội sẽ đón dòng vốn mạnh mẽ và với chính sách cải cách của Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn quay trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường