Dòng vốn FDI thế hệ mới sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang rất tích cực và là điểm đến hấp dẫn các dự án chất lượng cao.
Tăng cả lượng và chất
5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 11,07 tỷ USD vốn FDI, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tổng vốn FDI giải ngân trong 5 tháng đầu năm vẫn ghi nhận đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2023, trong khi đó, vốn FDI thực hiện mới chính là “thước đo” quan trọng nhất, chứng minh hiệu quả dòng vốn FDI đã đi vào nền kinh tế.
Trong giai đoạn gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, các dự án đầu tư đang dần đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam.
Cụ thể như nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương sẽ sử dụng năng lượng mặt trời bằng các tấm pin được lắp đặt trên mái nhà. Ngoài ra, các cam kết phát thải sẽ được Tập đoàn LEGO thực hiện bằng cách cùng VSIP trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho thảm thực vật bị thiệt hại trong quá trình xây dựng nhà máy.
Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu. Dự án được thiết kế với tổng công suất 3.200 MW. Nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến của Tập đoàn General Electric, với dòng máy tuabin khí chu kỳ hỗn hợp 9HA-02, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về năng lượng sạch và an toàn lưới điện.
Hoặc như ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể nhất, với nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến… Trong đó Việt Nam đóng vai trò là cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Nhìn về tương lai, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm hàng đầu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và giá trị cao, được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kỹ thuật số và áp lực biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Bộ KH&ĐT, gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật là: Nvidia (Hoa Kỳ) cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn. Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD. LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử. Đây hứa hẹn sẽ là những dự án thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
Lợi thế thu hút FDI thế hệ mới
Việt Nam đang trở thành “điểm hội tụ” của những “ông lớn” công nghệ thế giới với những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD... hay như lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay gấp đến 4 lần cùng kỳ năm 2023… Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để thu hút FDI thế hệ mới (có công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao), trên cơ sở Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với rất nhiều nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia; hội nhập sâu, rộng ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do, với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục.
Đặc biệt, thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang là chủ trương lớn mà Đảng, Nhà nước đang hướng tới, Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó nổi bật là Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về thu hút dòng vốn FDI có chất lượng. Qua đó càng chứng tỏ, thu hút FDI có chất lượng hiện là mục tiêu xuyên suốt, có đủ cơ hội và tiềm năng để thực thi.
Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thăng hạng trong thu hút FDI. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia cùng với Singapore, Malaysia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. WorlBank hay ADB đánh giá dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, y tế, ngân hàng và bất động sản.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hiện thực hóa được các cơ hội mở ra cũng đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể là thủ tục hành chính, quy định luật pháp rõ ràng và nhất quán… đang là các vấn đề mà nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm nhất.
Các doanh nghiệp nước ngoài cho biết đang theo dõi một số thay đổi quy định sắp tới có khả năng định hình lại đáng kể môi trường hoạt động của họ; trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang rất quan tâm như: việc triển khai cụ thể Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), thỏa thuận mua điện trực tiếp; việc triển khai và ảnh hưởng của Luật Đất đai 2024...
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, để giữ được lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài,Việt Nam cần thu hút đầu tư bằng cách tập trung xây dựng và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự hấp dẫn, công khai, minh bạch, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đồng thời, cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư ngoài thuế đối với dự án công nghệ cao khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận