Dòng vốn FDI Nhật Bản tăng trưởng ấn tượng tại TP.HCM
Ngày 14/12/2021, sự kiện “Kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn tròn Nhật Bản tại TP.HCM” được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cùng với các sở, ban, ngành Thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Nhật Bản - Đối tác hàng đầu của Việt Nam và TP.HCM
Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có mối quan hệ lịch sử lâu đời. Năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, khởi đầu cho một kỷ nguyên hợp tác phát triển có lợi cho cả hai bên về nhiều mặt.
Trong kinh tế, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực vào năm 2009, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển thương mại giữa hai quốc gia. Mối quan hệ này ngày càng được củng cố thông qua các cuộc viếng thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021.
Hiện Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư lớn thứ 2 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 63,94 tỷ USD. Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu USD/dự án.
Ông Võ Văn Hoan cho rằng, để Thành phố có được thành tựu phát triển mạnh mẽ, trở thành đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% vào GDP và hơn 26% vào ngân sách quốc gia thì nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng.
FDI đã trở thành động lực, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Riêng đối với dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Thành phố có sự tăng trưởng ấn tượng, sắc nét, rất tích cực, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản vào sức hút của thị trường Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng. Đây cũng là cơ hội tốt để tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh mới.
Tại TP.HCM, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản là 3.218 dự án (bao gồm 1.479 dự án đầu tư trực tiếp và 1.739 trường hợp đầu tư gián tiếp thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần). Tổng vốn đầu tư đạt 7,419 tỉ USD (chiếm tỷ lệ 10,44% tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố), đứng vị trí thứ 4/116 quốc gia/vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn.
Hiệu quả cầu nối thu hút đầu tư
Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) đánh giá, TP.HCM có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung. Đơn cử như, đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, TP.HCM cung cấp nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung vẫn thấp so với các nước trong khu vực; Thành phố đang nổi lên trở thành thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với nhà đầu tư với quy mô dân số lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ, những yếu tố này đưa TP.HCM trở thành một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng.
Ngoài ra, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có nền chính trị ổn định và gần gũi với đất nước Nhật Bản. Vì vậy, số người Nhật sinh sống tại TP.HCM đã tăng 1,7 lần so với 5 năm trước (12.481 người năm 2020 so với 7.270 người năm 2015). Số lượng hội viên của JCCH cũng đã vượt 1.000 doanh nghiệp vào năm 2019 và xếp thứ 3 trong số các Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài sau Thượng Hải và Bangkok.
Tuy nhiên, ông Mizushima Kozo cũng chỉ ra điểm bất lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài của TP.HCM tới đây, đó chính là sự cạnh tranh gay gắt để có được nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các doanh nghiệp, điều này sẽ đẩy mức lương tăng cao, giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Theo ông Mizushima Kozo, chính quyền TP.HCM đã làm rất tốt trong việc thường xuyên quan tâm, gặp gỡ, đối thoại với JCCH (một tổ chức mà trong đó phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) trong suốt hơn 20 năm qua. Điều này vô cùng hiệu quả trong việc thu hút đầu tư từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn mở rộng ra các ngành khác như bán lẻ, dịch vụ, tài chính, ngân hàng…
Ông Võ Văn Hoan, việc tổ chức Kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn tròn Nhật Bản diễn ra trong điều kiện đặc biệt như hiện nay, là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp các nước, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, đánh dấu chặng đường đồng hành của chính quyền Thành phố cùng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình phát triển.
Các cơ quan chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào Thành phố trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận