Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Các mức thuế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lên nhiều đối tác thương mại quan trọng có thể đánh dấu bước chuyển lớn trong hệ thống tiền tệ quốc tế, thách thức vị thế chủ chốt của đồng USD.
Chính sách bảo hộ của Mỹ, với việc áp thuế quan lên nhiều đối tác thương mại lớn, đang làm dấy lên lo ngại về một sự dịch chuyển trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Theo chuyên gia kinh tế Pháp Gilles Dufrénot, những động thái này có thể thúc đẩy sự nghi ngờ đối với đồng bạc xanh, tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của các đồng tiền khác.
Hiện tại, đồng USD vẫn giữ vai trò thống lĩnh khi chiếm tới 50% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, 60% dự trữ ngoại hối chính thức và ít nhất 30% giao dịch ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia tìm cách giảm phụ thuộc vào USD, đặc biệt khi chính sách thuế quan của Mỹ vô tình thúc đẩy xu hướng này.
Hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay xoay quanh đồng USD, vận hành dựa trên sự tin tưởng vào sức mạnh kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, để duy trì hệ thống này, Mỹ cần đảm bảo rằng họ không lợi dụng vị thế thống trị để gây tổn hại đến các quốc gia khác. Trong thực tế, quy tắc ngầm này đã nhiều lần bị phá vỡ khi Mỹ áp đặt những khoản phạt khổng lồ lên các công ty nước ngoài sử dụng USD, với lý do vi phạm lệnh trừng phạt của Washington. Điều này khiến đồng USD dần bị xem như một công cụ chính trị hơn là một đồng tiền trung lập trong thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc Mỹ gia tăng thuế quan có thể kích hoạt chu kỳ suy thoái-lạm phát trên toàn cầu. Giá cả hàng hóa có thể sụt giảm kéo dài do nhu cầu yếu, gây bất lợi cho các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông – những nước vốn có đồng tiền neo vào USD. Để ứng phó, Saudi Arabia và UAE đang ngày càng xích lại gần Trung Quốc, đồng thời mở rộng giao dịch bằng các đồng tiền khác như nhân dân tệ, rupee hay dirham trong khuôn khổ BRICS+. Nếu xu hướng này lan sang thị trường hàng hóa, đồng USD có thể mất đi một phần đáng kể vai trò chủ chốt của mình.
Ngoài ra, tác động của việc tăng thuế quan không chỉ giới hạn trong thương mại quốc tế mà còn ảnh hưởng đến nội bộ nước Mỹ. Chính sách này có thể thúc đẩy "bản địa hóa" sản xuất, nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức. Các doanh nghiệp Mỹ có thể lựa chọn tối ưu hóa chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, lao động tay nghề cao ngày càng quan trọng, khiến bất bình đẳng thu nhập giữa lao động có tay nghề và không có tay nghề trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu chi phí gia tăng từ chính sách thuế quan vượt quá lợi ích dự kiến, Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng, đi ngược lại mục tiêu ban đầu. Khi đó, USD có nguy cơ bị coi là công cụ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ doanh nghiệp thay vì đóng vai trò tiền tệ toàn cầu đáng tin cậy.
Dưới tác động của những biến số này, vai trò bá chủ của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế có thể dần lung lay. Một kỷ nguyên tiền tệ đa cực, với sự xuất hiện của nhiều đồng tiền chủ chốt hơn, có thể trở thành xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo sự ổn định trong quan hệ thương mại và tài chính toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường