Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ hạ nhiệt trong 2022
Trong bối cảnh lãi suất chỉ được dự báo tăng nhẹ, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng dòng tiền nội được dự báo sẽ có phần hạ nhiệt.
Kể từ tháng 3/2020 đến nay, khi chỉ số VN-Index chạm đáy quanh mốc 65x điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia. Trong bối cảnh lãi suất thấp, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới theo ghi nhận của VSD liên tục phá đỉnh.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại thời điểm cuối tháng 12/2021, VSD đang quản lý hơn 4,27 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước, trong đó chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân. Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 1,53 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới. Con số này gấp hơn 1,5 lần số lượng tài khoản mở mới của thị trường trong 4 năm (2017-2020).
Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân cũng là trợ lực mạnh mẽ nhất của thị trường trong thời gian qua. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 1,34% so với tháng trước, tăng 35,73% so với đầu năm. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 12 đạt mức kỷ lục vào phiên giao dịch ngày 23/12/2021 với giá trị và khối lượng giao dịch lần lượt đạt trên 45.371 tỉ đồng và hơn 1,32 tỉ cổ phiếu. Trong năm 2021, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 21.593 tỉ đồng và 737,29 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 247,27% về giá trị và 120,43% về khối lượng bình quân so với năm 2020.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra các dự báo dựa trên kịch bản năm 2022 nền kinh tế Việt Nam sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế như giai đoạn trước dịch, nhưng đi cùng với mức lạm phát cao. Lãi suất có thể tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn sẽ giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn - nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Theo VCBS, mặc dù kỳ vọng dòng vốn từ các nhà đầu tư nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022 nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021 và sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi. Theo đó, VCBS dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN-Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 - 1.600 điểm, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021.
Hệ thống giao dịch mới của HOSE được chính thức đưa vào vận hành kể từ tháng 7/2021 đã giúp dỡ bỏ “điểm nghẽn” về thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE. Tuy nhiên theo VCBS, điều này cũng có nghĩa là thanh khoản trên thị trường khó có thể ghi nhận một mức tăng “bùng nổ” như trong giai đoạn nửa cuối năm 2021. Dù vậy, VCBS dự báo rằng xu hướng tăng trưởng về thanh khoản sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022. Cụ thể, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được dự báo tăng nhẹ so với năm 2021 và đạt bình quân hơn 1 tỉ cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch trung bình năm 2022 được kỳ vọng tăng trưởng 17-20% so với năm 2021, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 28.000-30.000 tỉ đồng một phiên trên cả ba sàn.
Có thể bạn quan tâm
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận