Dòng tiền chảy vào chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục tăng cao trong năm 2022
Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán cùng với sự trở lại của dòng vốn nước ngoài sẽ tạo lực đỡ lớn cho thị trường trong năm 2022.
Hai mặt tương phản của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài
Năm 2021 chứng kiến dấu ấn nổi bật của nhà đầu tư trong nước trên thị trường chứng khoán với sự tích cực ở cả số lượng và chất lượng. Theo số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm từ 2017-2020 cộng lại.
Cùng với số tài khoản mở mới liên tiếp lập kỷ lục, trong năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã chi hơn 4 tỷ USD mua ròng cổ phiếu thông qua khớp lệnh. Thống kê từ FiinGroup cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng bền bỉ trong 12 tháng năm 2021. Tính riêng giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh của nhóm này đã lên đến con số gần 93.079 tỷ đồng, tương ứng hơn 4 tỷ USD.
Theo số liệu của Công ty chứng khoán BSC, tỷ lệ giao dịch bình quân của nhà đầu tư trong nước năm 2021 đạt 85,3%, tăng 8,3% so với trung bình 5 năm trong khi các nhóm nhà đầu tư khác đều giảm. Điều này đã lý giải cho việc khối nội đang chi phối diễn biến thị trường và không bị ảnh hưởng đáng kể trước áp lực rút vốn của khối ngoại như những thời điểm đã xảy ra trong quá khứ.
Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong năm 2021 là điểm trừ cho một thị trường đang có nhiều điểm sáng. Từ chỗ mua ròng 2,77 tỷ USD với tâm điểm từ các quỹ đầu tư Hàn Quốc trong 2 năm 2017 – 2018 thì khối ngoại đã thực hiện bán ròng 3,41 tỷ USD trong 2 năm 2020 và 2021. Khối ngoại bán mạnh tại 7/11 ngành và chỉ mua ròng nhẹ tại ngành dịch vụ tiêu dùng, dầu khí và công nghệ.
Hoạt động rút dòng diễn ra trên diện rộng nhưng tập trung chủ yếu với các nhóm quỹ Offshore, quỹ đầu tư theo bộ chỉ số của FTSE, MSCI.
Nhóm ETFs là điểm sáng duy nhất trong khối nhà đầu tư nước ngoài khi quy mô tài sản tăng 117,3% so với cuối năm 2020. Ngoại trừ ETF FTSE VN và KIM bị rút ròng, các ETF nội và ngoại đều thu hút được dòng vốn ngoại. Đặc biệt, các ETFs huy động vốn từ Đài Loan với quy mô tăng trưởng 1,1 tỷ USD trong năm 2021.
Theo các chuyên gia của VNDirect, nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong năm 2021 liên quan trực tiếp đến việc họ lo ngại rằng các thị trường cận biên sẽ phản ứng tiêu cực hơn với diễn biến của đại dịch Covid-19 so với các thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu. Do đó, khi rủi ro gia tăng do đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường cận biên (rủi ro cao) và đầu tư vào các thị trường phát triển (rủi ro thấp), đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh lãi suất điều hành của FED tiệm cận mức 0%.
Kỳ vọng lạc quan trong năm 2022
Trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang ở vùng thấp lịch sử, các chuyên gia cho rằng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,5%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm bình quân giai đoạn 2017-2019 (trước đại dịch Covid-19) là 6,8%-7,0%/năm. VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản vào năm 2022 và vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất trước đại dịch. Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, nhà đầu đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi suất cao hơn, tiêu biểu là đầu tư chứng khoán.
Đối với dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia của BSC cho rằng áp lực rút vốn khối ngoại không còn nhiều và sự chuyển dịch dòng tiền sang thị trường mới nổi và thị trường biên biên có thể xảy ra do tương quan hấp dẫn giữa tăng trưởng và định giá hợp lý. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng nhanh tạo điều kiện mở cửa và thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như cơ hội thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo VNDirect, các tính năng mới dự kiến sẽ được triển khai nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022 như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về. Hệ thống giao dịch mới cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam.
Trong khi đó, theo quan sát của ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán DAS, lượng vốn rút ròng của khối ngoại trong năm 2021 vẫn chưa hoàn toàn rút khỏi thị trường Việt Nam mà chuyển qua các quỹ ETF nội và một phần chuyển sang mảng trái phiếu. Để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lại mạnh mẽ, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cẫn chứng minh được sự phát triển nền kinh tế. Hiện kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 khá khả quan và Chính phủ cũng ban hành gói kích cầu rất lớn. Nhưng vấn đề là việc triển khai như thế nào để đạt hiệu quả thì mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận