24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quyết
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đồng hành để bình ổn giá

Năm 2002, TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng và triển khai liên tục chương trình bình ổn thị trường. Sau 20 năm, chương trình này dần trở thành công cụ điều tiết hợp lý, hiệu quả và được nhân rộng ra nhiều địa phương

Xuất phát từ mục tiêu ban đầu là cố định giá cả mùa Tết 20 năm trước, đến nay, chương trình bình ổn thị trường (BOTT) của TP HCM đã tạo được sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng. Ý nghĩa thiết thực của chương trình càng được khẳng định trong các đợt cao điểm mua sắm, đặc biệt là mùa mua sắm cuối năm.

Điều tiết, dẫn dắt thị trường

Trong suốt hành trình 20 năm từ 2002 - 2022, chương trình BOTT với nhiều giải pháp thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định nguồn cung cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân. Qua nhiều giai đoạn triển khai thực hiện, chương trình đã chuyển từ nguyên tắc cố định giá đến linh hoạt điều chỉnh giá bán, bảo đảm khả năng dẫn dắt thị trường, điều tiết giá cả thông qua điều tiết cung cầu, phân bổ các nguồn lực, điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa. Mặt khác, chương trình được điều chỉnh theo hướng giảm các biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán, bảo đảm quyền lợi của DN và người tiêu dùng. Theo đó, tất cả hàng hóa tham gia chương trình luôn được tính toán để thấp hơn thị trường 5% -10%.

Đến nay, trên toàn địa bàn TP HCM có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường; bao gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.

Tổng doanh thu chương trình BOTT giai đoạn 10 năm 2012 - 2022 ước đạt hơn 189.000 tỉ đồng; trong đó, mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến là các nhóm hàng quan trọng, chiếm từ 18% - 33% tổng doanh thu của chương trình.

Tổng sản lượng hàng BOTT ngày càng lớn, chiếm thị phần cao tại thành phố, đủ sức điều tiết thị trường cũng như sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Cụ thể, chương trình BOTT năm 2022 đã thu hút được 60 DN tham gia. Lượng hàng trứng gia cầm bình ổn chiếm 79% thị phần; thịt gia cầm chiếm 33,8%; dầu ăn chiếm 28,2%; đường chiếm 21,3%; thịt gia súc chiếm 18,6%... Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỉ đồng, tăng hơn 5.000 tỉ đồng so với năm 2021.

Liên kết giữ ổn định thị trường Tết

Không chỉ thương hiệu của chương trình BOTT mà các DN tham gia cũng đã xác lập được uy tín thương hiệu riêng. Khi DN đồng hành với chương trình, người tiêu dùng nhận diện đây là thương hiệu uy tín, từ đó giúp các DN xác lập được uy tín với người tiêu dùng và các đối tác. Nhiều DN gắn bó với chương trình có sự phát triển vững mạnh, lớn mạnh cả về quy mô và doanh số.

Để tạo nguồn cung ứng ổn định, chất lượng chủ động và đủ để chi phối thị trường, ngành chức năng và các DN bình ổn đang nỗ lực ổn định nguồn vốn, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, nhất là giai đoạn cao điểm cuối năm. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Coop), cho biết trung bình mỗi năm, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cung cấp ra thị trường 10.000 tấn hàng BOTT 70%-80% là các mặt hàng thiết yếu. Tính chung, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Coop đã tăng gấp 8 lần; tỉ lệ hàng Việt Nam tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành khác, tăng từ 17 điểm bán ban đầu lên hơn 600 điểm bán trên cả nước. Hằng năm, Saigon Co.op đều chủ động lên kế hoạch tham gia chương trình với 9 nhóm hàng chính (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản) và các mặt hàng phục vụ cho mùa tựu trường, kinh doanh các mặt hàng của những nhà cung cấp trong chương trình.

Đồng hành để bình ổn giá
Mặt hàng gạo trong chương trình bình ổn thị trường TP HCM sẽ được giữ ổn định 1 tháng trước và sau Tết

Riêng trong mùa Tết này, Saigon Co.op đã lên kế hoạch đặt hàng với các nhà cung cấp từ rất sớm, chuẩn bị dự trữ lượng hàng tăng 30%-50% nhằm chủ động nguồn cung và đáp ứng nhu cầu mua sắm dự kiến sẽ tăng cao trong 2 tháng sát Tết. Nhà bán lẻ thuần Việt cũng dành ngân sách lớn cho hoạt động khuyến mãi, giảm giá mạnh cho những nhóm hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng… cùng hàng loạt đổi mới, gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng giai đoạn cuối năm. "Tham gia chương trình cũng là điều kiện tiên quyết để DN thực hiện nhiệm vụ với xã hội, cộng đồng. Saigon Co.op là nhà cung cấp đồng thời là cầu nối để tất cả DN tham gia chương trình gắn kết với nhau" - ông Đức bày tỏ.

Các DN đánh giá cao chương trình BOTT trong vai trò cân đối cung cầu, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh… qua đó góp phần kiềm chế lạm phát. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), chỉ ra chương trình đã làm cầu nối giữa nhà sản xuất với vùng nguyên liệu, nhà sản xuất với nhà phân phối, người tiêu dùng. Sự liên kết này giúp DN có được nguồn hàng hóa đầu vào ổn định, nâng cao năng lực, từ đó tạo ra nguồn cung ổn định, bền vững cho thị trường. Người tiêu dùng nhờ vậy có cơ hội tiếp cận hàng hóa với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. "Tết này, Vissan chuẩn bị khoảng 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, 4.000 tấn thực phẩm chế biến. Công ty tiếp tục rà soát tất cả chi phí để bảo đảm giá thấp hơn thị trường 5%-10%, đồng thời thực hiện giảm giá sâu để hỗ trợ người tiêu dùng có hoàn cảnh khó khăn trong 2 ngày sát Tết" - ông Dũng thông tin.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thời gian qua, chương trình đã triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối. Bằng chứng là chương trình đã giúp kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014, biến động giá trong giai đoạn dịch COVID-19 các năm 2020 - 2021… Qua đó, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả