menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phương Thảo

Đồng bằng sông Cửu Long: Các dự án 'tỷ đô' đang giậm chân tại chỗ

Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Quý I năm nay thu hút nguồn vốn FDI vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất khiêm tốn, đáng quan tâm là tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này đạt tỷ lệ rất thấp so với vốn đăng ký, vì sao?

Chia sẻ tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ quý I/2023, lãnh đạo các địa phương Bạc Liêu, Cần Thơ, Long An đều cho biết nhiều dự án FDI quy mô lớn được địa phương trao chứng nhận đầu trong các năm 2020 và 2021 nhưng tới nay tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện rất thấp, có nhiều dự án gần như "đứng yên tại chỗ".

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Pham Văn Thiều, Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3.200MW, tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD, chiếm 90% vốn FDI của địa phương). Dự án này do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) làm chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) làm tổng thầu EPC (chìa khóa trao tay). Dự án được nhà đầu tư đề xuất từ năm 2018, đến đầu năm 2020, địa phương đã trao chứng nhận đầu tư cho DOE thực hiện dự án này.

Theo quy định, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (nghĩa là đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tiếp đó nhà đầu tư sẽ có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường ống dẫn khí vào bờ và vận hành tổ máy tourbin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối 2023. Sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

"Sau khi trao giấy chứng nhận đầu tư, địa phương cũng đã thành lập tổ công tác, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Có thể nói địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình để hỗ trợ nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay dự án này còn đang vướng mắc các thủ tục thuộc thẩm quyền các bộ, ngành và Chính phủ nên đến nay dự án vẫn chưa được khởi công xây dựng", ông Thiều thông tin.

Tương tự như vậy, đầu năm 2021, TP. Cần Thơ đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II với công suất thiết kế 1.050MW, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,3 tỷ USD. Đây là dự án FDI lớn nhất và chiếm gần 60% vốn FDI đăng ký đầu tư tại địa phương này.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II do liên doanh các nhà đầu tư: Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Việt Nam) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026 – 2027. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ thì cho đến nay dự án này chỉ mới thỏa thuận khung hợp đồng mua khí từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Các thủ tục chuẩn bị đầu tư đều chậm hơn so với kế hoạch.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại địa phương đã thu hút được 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD nhưng tỷ lệ vốn thực hiện chỉ mới đạt khoảng 569 triệu USD, bằng 26% so với vốn đăng ký, nguyên nhân là một số dự án có quy mô lớn chậm được triển khai.

UBND tỉnh Long An cũng cho biết, đến hết Quý I/2023, địa phương đã thu hút được 1.171 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD nhưng tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện đạt chưa đến 40%.

Trong đó Dự án Nhà máy điện Long An I và II đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, do VinaCapital và GS Energy (một tập đoàn năng lượng đến từ Hàn Quốc) làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến trên 3 tỷ USD. Dự án này đã được UBND tỉnh Long An trao giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 21/3/2021 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện bất kỳ thủ tục chuẩn bị đầu tư nào. Do nhiều dự án quy mô vốn đầu tư lớn chậm triển khai nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thực hiện của địa phương còn rất thấp so với tổng vốn đăng ký.

Đồng bằng sông Cửu Long: Các dự án 'tỷ đô' đang giậm chân tại chỗ

Khu vực ĐBSCL có khả năng thu hút thêm hàng chục tỷ USD vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh TL

Kỳ vọng "bức tranh" đầu tư sẽ sáng hơn

Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 3 tháng đầu năm nay, vùng ĐBSCL đã thu hút được 19 dự án FDI mới, 22 dự án tăng vốn và 16 lượt nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần. Tổng vốn đăng ký FDI trong quý I/2023 đạt trên 250 triệu USD. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là có đến 10/13 địa phương thuộc vùng này không thu hút được dự án FDI mới. ĐBSCL tiếp tục đứng ở vị trí "áp chót" trong thu hút vốn FDI (chỉ hơn vùng Tây Nguyên).

Lũy kế, đến hết tháng 3/2023, vùng ĐBSCL thu hút được 1.894 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 35 tỷ USD, chiếm 7,8% so với tổng vốn FDI đăng ký đầu tư còn hiệu lực trên cả nước.

Thu hút FDI vào vùng ĐBSCL hiện chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên nhưng về quy mô vốn đăng ký đầu tư thì "rất bé" so với các vùng còn lại. Điều đó cho thấy thu hút FDI vào ĐBSCL trong nhiều năm qua vẫn chưa tạo được bước đột phá.

Là địa phương dẫn đầu khu vực trong thu hút vốn FDI, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn cho rằng, trong thời gian qua địa phương thu hút mạnh nguồn vốn FDI là nhờ đón làn sóng đầu tư lan tỏa từ TP. HCM. Cùng với đó là địa phương có sự chuẩn bị quỹ đất công nghiệp với cơ sở hạ tầng kết nối thuận lợi môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được cải thiện.

"Vùng ĐBSCL có lợi thế là vùng sản xuất nguyên liệu nông, thủy sản tốt nhất cả nước, nếu vùng này được đầu tư mạnh hơn về cơ sở hạ tầng, và chuẩn bị sẵn đất sạch, lao động có tay nghề thì sẽ rất hấp dẫn nhà đầu tư", ông Sơn nhận định.

Đồng quan điểm đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của vùng ĐBSCL trong thời gian qua là do cơ sở hạ tầng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.

"Song song với đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 60, xây dựng cầu Rạch Miễu 2, các địa phương khu vực ĐBSCL còn được Trung ương phân bổ vốn đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tuyến đường vành đai ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu, đây là tiền đề quan trọng để khu vực ĐBSCL cất cánh", ông Sơn kỳ vọng.

Cũng theo ông Sơn, ĐBSCL không chỉ có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp mà khu vực này còn có hơn 700km giáp biển, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Trong đó, đáng chú ý nhất là tiềm năng phát triển điện gió trong bờ lẫn ngoài khơi.

"Chỉ tính riêng tỉnh Bến Tre, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến đưa vào quy hoạch phát triển khoảng 1.500 MW điện gió. Với suất đầu tư bình quân khoảng 2 triệu USD/1MW thì chỉ riêng lĩnh vực đầu tư điện gió tỉnh Bến Tre đã có khả năng thu hút khoảng 3 tỷ USD vốn đầu tư. Tuy nhiên, do hiện nay Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt, giá mua bán điện cho dự án mới cũng chưa được ban hành nên địa phương chưa thu hút được dự án đầu tư mới trên lĩnh vực này" ông Sơn cho hay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, điểm qua các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư FDI lớn tại khu vực ĐBSCL trong thời gian qua, cho thấy hầu hết dự án đầu tư đều tập trung vào địa phương có cơ sở hạ tầng kết nối tốt, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và năng lượng sạch.

"Trong tương lai gần khi các dự án lớn như cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cảng nước sâu Trần Đề và nhiều dự án hạ tầng quan trọng khác hoàn thành thì khu vực ĐBSCL sẽ không còn là "vùng trũng" trong thu hút đầu tư nữa", ông Lâu nhận định.

Chia sẻ tại Hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra nhận định, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển.

ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Đồng thời, vùng ĐBSCL cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều…

Vùng ĐBSCL đã và đang được Trung ương tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ; phát triển hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp.

"Trên cơ sở tầm nhìn phát triển dài hạn của vùng ĐBSCL được xác định rõ ràng, với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh tại vùng đất còn lắm tiềm năng này" Bộ trưởng Dũng đưa ra dự báo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại