Đón sóng kết quả kinh doanh quý I
Trong bối cảnh chung là lợi nhuận quý I/2023 dự kiến tiếp tục suy giảm, một số nhóm ngành và doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng dương có khả năng sẽ “tạo sóng”.
Kỳ vọng quý I là đáy
Các công ty trong danh mục theo dõi của SSI Research ước tính chỉ tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn ở mức 5,8% trong năm 2023.
Quý IV/2022, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết giảm 31% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận quý đầu năm 2023 của nhiều doanh nghiệp có thể chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Đây sẽ là yếu tố khiến VN-Index ít có khả năng tăng điểm mạnh trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, kỳ vọng quý I/2023 là điểm đáy tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và kết quả kinh doanh sẽ dần cải thiện kể từ quý II/2023.
Hiện tại, kinh tế Việt Nam đang ở cuối chu kỳ suy thoái, thể hiện qua các tiêu chí như dự trữ ngoại hối giảm, hoạt động kinh tế giảm, thị trường bất động sản suy thoái, thất nghiệp tăng, tín dụng tăng chậm, lợi nhuận doanh nghiệp giảm...
Ngành ngân hàng được đánh giá có triển vọng khả quan, nhưng lợi nhuận một số nhà băng đã bắt đầu phản ánh những khó khăn trên thị trường bất động sản.
Các ngành như bán lẻ, phân bón, hóa chất, thép có nền so sánh quý I/2022 cao, nên ít có khả năng tăng trưởng trong quý I/2023. Dự báo, nhu cầu tiêu dùng yếu sẽ kéo dài sang quý II.
Trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp nào duy trì được tăng trưởng dương sẽ là “ngôi sao sáng” cho dòng tiền đón “sóng” kết quả kinh doanh quý I/2023.
Trên sàn chứng khoán, định giá thị trường chung trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 đang khá hấp dẫn, P/E của VN-Index thấp hơn nhiều so với mức bình quân các thị trường châu Á.
Một loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trái phiếu… đã giúp thị trường chứng khoán thời gian qua không có diễn biến tiêu cực, mà tăng giảm đan xen.
Theo “đồng hồ đầu tư”, kinh tế Việt Nam đang ở cuối giai đoạn suy thoái, nên sẽ không bất ngờ nếu kết quả kinh doanh quý I/2023 phản ánh sớm các thách thức vĩ mô. Trong bối cảnh ít doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng dương, dòng tiền đầu tư sẽ rất chọn lọc.
Một số ngành và doanh nghiệp đáng chú ý
Ngành công nghệ dự kiến có tốc độ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu thắt chặt chi tiêu toàn cầu với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ và viễn thông, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn; thị trường trong nước giảm tăng trưởng do tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ trước đó.
Mặc dù vậy, lợi nhuận ngành này dự kiến vẫn sẽ khả quan nhờ các hợp đồng ký mới với lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế và nhu cầu chuyển đổi số, cùng chính sách đẩy hạ tầng mạng 5G trong nước. Kỳ vọng, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông không chỉ tăng trưởng trong quý I, mà cả năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của Công ty cổ phần FPT tăng hơn 19% so với cùng kỳ, động lực chính từ mảng công nghệ thông tin toàn cầu, mảng giáo dục và dịch vụ viễn thông. Sự hồi phục của đồng Yên trong tháng 3/2023 cũng là yếu tố tích cực đối với doanh thu từ thị trường Nhật Bản. Nhưng cổ phiếu FPT không dễ mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn, nhất là khi giá cổ phiếu thời gian qua không giảm nhiều đến mức hấp dẫn.
Với ngành ngân hàng, lợi nhuận có thể tăng chậm lại so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nhu cầu mua nhà sụt giảm đáng kể trong môi trường lãi suất cao, tốc độ tăng trưởng tín dụng tới ngày 28/3/2023 mới chỉ đạt 2,06% so với cuối năm 2022.
Đáng lưu ý, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng có khả năng suy giảm do nợ xấu có xu hướng tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn, khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng.
Ngành ngân hàng về cơ bản tốt xấu đan xen, nên những nhà băng duy trì được lợi nhuận tăng trưởng dương sẽ là điểm sáng lớn.
Tăng trưởng tín dụng của Sacombank (mã chứng khoán STB) tính đến cuối quý I/2023 dự kiến thấp hơn mức 1% so với cuối năm 2022; tổng tiền gửi ước tính tăng nhẹ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.500 - 2.700 tỷ đồng, tăng 57 - 70% so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Với ACB, tín dụng trong quý I/2023 có thể giảm khoảng 1% do cầu tín dụng thấp, trong khi huy động ước tăng 2 - 3% so với đầu năm. Điểm tích cực là chất lượng tài sản tốt, nợ xấu dưới 1% và lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động, nhưng biên lãi ròng (NIM) vẫn cao hơn cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm 2023 của ngân hàng này ước đạt 4.800 - 5.000 tỷ đồng, tăng 17 - 21% so với cùng kỳ.
Ngành vận tải dầu có khả năng ghi nhận lợi nhuận tích cực trong quý I/2023 nhờ giá cước vận tải và giá cước cho thuê tàu định hạn có xu hướng tăng, duy trì ở mức cao so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây lên Nga làm thay đổi hải trình và thời gian các tuyến vận tải dầu hiện nay.
Trong nhóm ngành này, PVTrans (mã chứng khoán PVT) dự kiến lợi nhuận trước thuế quý I/2023 đạt mức tăng trưởng 15%, nhờ giá thuê cao hơn và đội tàu được mở rộng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường