Dồn nguồn lực mở ra cơ hội mới cho vùng Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam Bộ - với Tp.HCM là trung tâm kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, nhiều nguồn lực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Chiều 21/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại Tp.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Đưa Tp.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế
Tại họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước.
Năm 2020, quy mô GRDP theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010. Đông Nam Bộ trở thành vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư FDI lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn. Trong vùng, Tp.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Đóng góp vào tổng thu ngân sách Nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm.
Cùng đó, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng.
Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai tháchiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Đông Nam Bộ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24, với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước.
Trong đó, Tp.HCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Do đó, Chính phủ đang khẩn trương ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết này.
7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 24, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để thực hiện Nghị quyết số 24, Chính phủ dự kiến đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháptrọng tâm. Trong đó, công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24.
Phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…
Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Cùng với đó, hoạt động Xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 24 có thể được hiện thực hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận