Đơn hàng ‘nhỏ giọt’, ngành dệt may vẫn chưa hết chật vật
Những dư chấn của dịch Covid-19 đến nền kinh tế nói chung hay ngành dệt may nói riêng kéo dài từ đầu năm đến nay vẫn chưa có hồi kết. Đơn hàng bị hoãn hoặc hủy, khách hàng muốn giảm giá bán… khó khăn chồng chất đã tạo nên áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may trong quý 3.
Theo dữ liệu của Vietstock, trong tổng số 15 doanh nghiệp dệt may niêm yết đã công bố BCTC quý 3, có 5 doanh nghiệp báo lãi tăng, 8 doanh nghiệp có lãi giảm và 3 doanh nghiệp lỗ. Tổng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may niêm yết trong quý 3 đạt hơn 6,782 tỷ đồng và 318 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 27% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 25,584 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại dệt may 9 tháng đạt 13,765 tỷ USD, giảm 12.11% so với cùng kỳ.
Bóng tối bao trùm
Dẫn đầu trên hành trình “lao dốc” là May Sông Hồng (HOSE: MSH) với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm 13% và 69% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 1,068 tỷ đồng và 43 tỷ đồng. Kết quả không khả quan chủ yếu là do các hợp đồng và đơn hàng FOB của khách hàng thông báo tạm dừng xuất hoặc hủy đơn hàng.
Kết quả kinh doanh của MSH qua các năm trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Trước tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may suy giảm, doanh thu thuần hợp nhất của Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) cũng chỉ đạt gần 328 tỷ đồng trong quý 3/2020, giảm gần 41% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp quý 3 ở mức 12.26%, trong khi cùng kỳ là 14.36%. Kết quả, STK báo lãi ròng 20.1 tỷ đồng trong quý 3, giảm đến 61%.
Theo STK, từ giữa đến cuối quý 3/2020, tình hình nhận đơn hàng dần phục hồi do tâm lý khách hàng ở một số thị trường lớn như Mỹ và EU dần thích nghi với chuyển biến của dịch bệnh. STK cho biết vẫn đang tích cực trong việc sản xuất và tiêu thụ thêm các loại sợi có chất lượng và giá trị gia tăng cao, đồng thời thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất và tiêu hao tại Công ty.
Tương tự, mặc dù doanh thu tăng 11% (1,691 tỷ đồng) nhưng lãi ròng quý 3 của Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) lại “quay đầu” 20% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 65 tỷ đồng chủ yếu do các đơn hàng sản xuất trong quý 1 và quý 2 năm 2020 đã đàm phán với khách hàng để xuất được vào quý 3. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách hàng đã yêu cầu giảm giá bán một số mặt hàng từ 1-2% so với giá ký ban đầu. Trong khi đó, Công ty vẫn phải duy trì thanh toán các khoản chi phí đầu vào, lương nhân công, các khoản khác… theo đúng hợp đồng và quy định.
Ngành sợi đóng băng, Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, HOSE: FTM) ‘ôm lỗ’ hơn 49 tỷ đồng trong quý 3, FTM cho biết đầu quý 2, khi dịch bệnh bùng phát cao điểm tại các nước trên thế giới và vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhu cầu nhập hàng từ các thị trường này sụt giảm đột ngột, đồng thời cắt đứt nguồn cầu của toàn ngành dệt may. Đa số các đối tác lớn đều có động thái cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng. Dịch còn tác động đến ngành sợi khiến thị trường này dường như đóng băng, đơn hàng bị giãn, hoãn hoặc hủy. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung chưa có dấu hiệu dừng lại khiến ngành dệt may nói chung và ngành sợi nói riêng chưa có sự đột phá.
Doanh thu của FTM lại chủ yếu đến từ sản xuất và kinh doanh sợi các loại. Do đó, doanh thu quý 3 “lao dốc” 99% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 5 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến FTM phải chịu lỗ gộp hơn 1.4 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp dệt may có lãi ròng sụt giảm so với cùng kỳ. Đvt: Tỷ đồng
Điểm sáng le lói trong ngành dệt may
Mặc dù doanh thu giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 192 tỷ đồng nhưng Damsan (HOSE: ADS) lại ghi nhận lãi ròng gần 15 tỷ đồng, gấp 47 lần con số hồi cùng kỳ. Theo ADS, nguyên nhân do thị trường biến động ảnh hưởng trực tiếp làm giá bán thành phẩm sợi cotton bình quân giảm 25% so với cùng kỳ nên doanh thu giảm. Tuy nhiên, ADS đã thực hiện chủ trương tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, trong quý 3, ADS còn ghi nhận doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản.
Các doanh nghiệp dệt may có lãi ròng tăng trưởng so với cùng kỳ. Đvt: Tỷ đồng
Nhờ thay đổi cơ cấu mặt hàng, lãi ròng quý 3 của Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) tăng vọt lên gần 87 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong kỳ, doanh thu cũng tăng 36%, đạt 907 tỷ đồng.
Hay như Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cũng báo lãi ròng quý 3 tăng 47% so cùng kỳ, đạt hơn 85 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía TCM, trong quý 3, Công ty xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế nên doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt.
Kết quả kinh doanh của TCM qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
3 doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận năm
Trên đường đua của các doanh nghiệp dệt may, GIL, GMC và TCM đã cùng nhau vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020. Trong đó, GIL xuất sắc vượt 99% kế hoạch lợi nhuận và vượt 34% kế hoạch doanh thu.
Cụ thể, năm 2020, GIL đề ra chỉ tiêu doanh thu từ 1,900-2,000 tỷ đồng và lãi sau thuế dự kiến rơi vào mức 95-105 tỷ đồng. Có thể thấy kế hoạch kinh doanh của GIL sụt giảm đáng kể so với kết quả năm 2019 (doanh thu hơn 2,538 tỷ đồng và lãi ròng gần 161 tỷ đồng).
Nhờ đó, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, GIL đã vượt xa kế hoạch kinh doanh đã đề ra cho cả năm với doanh thu 2,546 tỷ đồng và lãi ròng hơn 189 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp dệt may. Đvt: Tỷ đồng
(*)Lãi sau thuế
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Chỉ còn 1 quý nữa là hết năm 2020, con đường hoàn thành kế hoạch dường như còn khá chông chênh với TDT, TVT, EVE và ADS khi chỉ mới thực hiện được 10-25% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2020.
Với TDT, trong năm 2020 dự kiến đem về 565.6 tỷ đồng doanh thu và 58.2 tỷ đồng lãi trước thuế. Tuy nhiên, sau 9 tháng, doanh thu thuần chỉ mới đạt được 217 tỷ đồng và lợi nhuận 12 tỷ đồng, thực hiện được 38% kế hoạch doanh thu và 25% kế hoạch lãi trước thuế 2020.
Thậm chí có những doanh nghiệp mà con số thực hiện được nửa kế hoạch dường như còn quá xa vời khi dù đã kết thúc 9 tháng FTM và MPT vẫn còn báo lỗ.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24.76 tỷ USD, giảm 9.3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.
Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, đồng thời khai thác và mở rộng thị trường nội địa; cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các EVFTA...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận