Đòi nợ kiểu "khủng bố" 4.0: Không thể biết sai vẫn làm, thách thức dư luận, xã hội, thách thức chính quyền
Đối với hành vi khủng bố tinh thần trái pháp luật để đòi nợ đối với những người không liên quan, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm tránh tình trạng nhờn luật.
Nhiều ý kiến cho rằng đã có hành lang pháp lý chế tài, vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc đồng bộ để nghiêm trị những kiểu đòi nợ “khủng bố” như vậy, nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật, trật tự an toàn xã hội.
Khổ sở vì liên tục bị “khủng bố” qua điện thoại, bị vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội để đòi trả nợ
Vụ hàng loạt hiệu trưởng, giáo viên và cán bộ thuộc Sở GD-ĐT ở Nghệ An những ngày vừa qua liên tục bị “khủng bố” qua điện thoại, bị vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội để đòi trả nợ, dù họ không hề vay tiền từ một công ty tài chính.
Dẫn lời Thanh Niên, bà Phạm Thị Trường Giang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Mao (TP. Vinh) cho biết, những ngày qua, bà và nhiều giáo viên trong trường liên tục bị “khủng bố” bởi những kẻ đòi nợ (tự xưng là nhân viên một công ty tài chính thuộc một ngân hàng, hoặc không xưng danh), mặc dù giáo viên và nhân viên của trường không ai vay tiền.
Ban đầu, nhóm người này mạo danh phụ huynh, vu khống giáo viên đánh đập học sinh rồi lăng mạ, chửi bới. Sau đó, nhóm này mới lộ rõ ý đồ gây sức ép để đòi nợ một người em chồng của một nữ giáo viên trong trường có vay tiền của một công ty tài chính.
Sau nhiều cuộc gọi để quấy rối bà Giang và giáo viên trong trường, nhóm này còn sử dụng ảnh của bà Giang rồi cắt ghép, đưa lên bàn thờ, đăng lên mạng xã hội. Thậm chí, nhóm đòi nợ này còn gọi 2 đại lý gas trên địa bàn chở đến trường 2 bình gas để đe dọa, khiến ban giám hiệu và giáo viên của trường rất lo lắng.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vinh, cho biết hiện tượng quấy rối, “khủng bố”, bôi nhọ, xúc phạm danh dự này đã và đang xảy ra đối với hàng trăm giáo viên, thành viên ban giám hiệu của các trường ở TP. Vinh với mục đích đòi nợ. Theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 30 trường học bị quấy phá. Có nhiều trường, toàn bộ giáo viên đều bị quấy rối.
Qua xác minh của Phòng GD-ĐT TP. Vinh, các trường hợp này đều không vay tiền hoặc có vay nhưng đã trả. Một số giáo viên phản ánh bị mất chứng minh nhân dân, chứ không hề vay tiền.
Bà Thảo cũng cho hay, Phòng đã nhiều lần làm việc với cơ quan công an, đề nghị điều tra, xử lý nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Việc này đã ảnh hưởng đến danh dự, công việc điều hành, giảng dạy của ban giám hiệu và các giáo viên. Ngay cả bà Thảo cũng liên tục bị các số điện thoại lạ gọi đến đe dọa, quấy rầy. “Buổi tối, chúng tôi phải để điện thoại ở chế độ im lặng, có người thì phải tắt máy mới được yên”, bà Thảo nói.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thành 2 (H. Yên Thành, Nghệ An), cho biết những ngày gần đây, ông và nhiều giáo viên trong trường liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ nhiều số điện thoại khác nhau với lời lẽ tục tĩu, đe dọa để thông qua họ, yêu cầu một giáo viên của trường là ông L.X.L trả nợ tiền vay. Theo ông Giáp, ông L. có vay nợ bằng hình thức tín chấp qua ứng dụng online của một công ty tài chính thuộc một ngân hàng, đã đến kỳ thanh toán nhưng chưa trả được. Từ đó, những người tự xưng là nhân viên công ty này đã gọi điện cho ông Giáp, yêu cầu ông phải ép ông L. trả tiền vay.
Sau đó, nhóm người này gọi vào số máy của nhiều giáo viên trong trường, thậm chí cả những học trò cũ của ông Giáp, vu khống ông Giáp vay tiền nhưng không chịu trả nợ. Việc “khủng bố” tinh thần này đã khiến ông Giáp cùng nhiều giáo viên vô cùng bức xúc.
"Nếu không xử làm gương thì sẽ nhờn luật"
Trả lời Thanh Niên, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, công ty tài chính có thể bị phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng theo khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2022 của Chính phủ về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
“Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm hành vi khủng bố tinh thần trái pháp luật để đòi nợ đối với những người không liên quan. Không thể biết sai vẫn làm, thách thức dư luận, xã hội, thách thức chính quyền”, luật sư Tú nhấn mạnh.
Hành vi vi phạm pháp luật nói trên, liệu có chế tài nào mạnh hơn hay không, theo luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP. HCM), dấu hiệu cơ bản của tội “khủng bố” theo điều 299, bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) chính là người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng.
Mặt khách quan là có hành vi đe dọa thực hiện việc xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của người khác, hoặc có những hành vi uy hiếp tinh thần.
Mặt khách thể thì hành vi phạm tội xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác, xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
“Khoản 3, điều 299, bộ luật Hình sự nêu rất rõ phạm tội trong trường hợp có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Đối chiếu với những vụ việc mà báo phản ánh, thì thấy hành vi của các đối tượng đòi nợ là có dấu hiệu của tội “khủng bố”, nếu không xử làm gương, làm án lệ thì kiểu đòi nợ này còn gây bức xúc, hoảng sợ trong công chúng, thách thức cơ quan công quyền”, luật sư Long nói.
Ngoài ra, theo luật sư Long, việc sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác đưa lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác nhằm mục đích đòi nợ, thì có thể còn bị xử lý về hành vi làm nhục người khác hoặc vu khống. Các hành vi này đều có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu mức độ nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Vì vậy, theo luật sư Long, quan trọng là người dân cần thu thập chứng cứ có sẵn khi bị vô cớ đòi nợ, từ đó gửi cơ quan chức năng xác minh, thụ lý giải quyết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận