Doanh thu nhiều quý bằng 0, một cổ phiếu vẫn tăng gấp đôi sau 2 tuần
Không chỉ tăng về chỉ số, thanh khoản cổ phiếu này cũng bứt phá mạnh mẽ.
Trong năm 2021, câu chuyện về những cổ phiếu tăng bằng lần bất chấp tình hình kinh doanh "bết bát" được giới đầu tư đặc biệt chú ý. Sang đến năm 2022, sức nóng của nhóm cổ phiếu đầu cơ dần hạ nhiệt, song vẫn rất hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư.
Điển hình là cổ phiếu KDM của CTCP – Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới cũng gây chú ý với chuỗi tăng ấn tượng. Chốt phiên 22/3, cổ phiếu KDM ghi nhận 5 phiên tăng kịch trần liên tiếp lên mốc 14.600 đồng/cp. Với biên độ rộng của HNX, mã này đã gấp đôi giá trị chỉ sau 2 tuần giao dịch. Đây cũng là mức giá đỉnh trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Nhìn lại quá khứ, sau nhiều năm lình xình dưới mệnh thì năm 2021 cũng là một năm bứt phá ngoạn mục của KDM. Cụ thể, mã này tăng gấp 4,2 lần từ mức giá "trà đá" 2.600 đồng hồi đầu năm lên xấp xỉ 11.000 đồng/cp vào cuối năm ngoái.
Không chỉ tăng về chỉ số, thanh khoản cổ phiếu KDM cũng bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể, có gần 1,4 triệu cổ phiếu được "trao tay" trong phiên 22/3, gấp gần 4 lần khối lượng trung bình trong 10 phiên gần nhất.
Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới tiền thân là Công ty TNHH Long Thành được thành lập vào năm 2009 và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2013 Tháng 3/2016, KDM chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng công trình, kinh doanh các loại vật liệu xây dựng và phát triển khu công nghiệp. Song thời gian gần đây, định hướng mới của doanh nghiệp là chuyển trọng tâm sang mảng bất động sản. Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản huyện thị doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển khu đô thị quy mô trung bình từ 5-10 ha ở các huyện thị đang phát triển.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự kiến đẩy mạnh Bất động sản KCN để đón đầu làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Định hướng trong giai đoạn năm 2021 - 2026, mảng bất động sản KCN và phát triển các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng sẽ là lĩnh vực mũi nhọn của doanh nghiệp.
Tuy cổ phiếu tăng mạnh, song kết quả kinh doanh của KDM không mấy khả quan. Trong 3 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng lao dốc, lợi nhuận èo uột. Thậm chí mảng kinh doanh chính "đóng băng" khi nhiều quý doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu, chủ yếu là nguồn thu tài chính.
Trong năm 2021, chỉ riêng quý 2 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 21 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đây là nguồn thu đến từ việc bán nông sản cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Cà phê Avina. Ba quý còn lại trong năm 2021, KDM không ghi nhận bất cứ nguồn thu nào từ hoạt động kinh doanh chính. Thay vào đó, khoản thu lãi cho vay vẫn "cứu cánh" cho lợi nhuận của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong quý 4/2021, doanh thu bán hàng của KDM ghi nhận bằng 0. Đáng chú ý, doanh thu tài chính giảm 72% cùng các chi phí khác không được tiết giảm khiến doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 8,5 triệu đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 2 tỷ đồng. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết nguyên nhân lợi nhuận âm trong quý này là do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid và bị một số đối tượng gây rối cản trở hoạt động kinh doanh của Công ty.
Lũy kế cả năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 21 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn cùng các chi phí khác, KDM báo lãi sau thuế đạt 870 triệu đồng, tăng gần 21 lần so với mức lãi năm trước. Kết quả kinh doanh thực hiện năm 2021 "đi lùi" so với các chỉ tiêu doanh nghiệp đề ra trước đó với doanh thu 50 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 4,4 tỷ.
Tổng tài sản vào cuối năm 2021 của doanh nghiệp giảm 16 tỷ xuống còn 83 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dài hạn giảm mạnh từ 40 tỷ xuống còn 270 triệu đồng do trong năm không ghi nhận khoản phải thu dài hạn khác và thu hồi khoản đầu tư vào CTCP Thương mại vận tải Dầu khí Miền Bắc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận