menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Xuân Hòa

Doanh thu bảo hiểm tăng mạnh giữa đại dịch

Theo Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (ISA), doanh thu bảo hiểm trong 5 tháng đầu năm 2021 phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 82.727 tỷ đồng, tăng 26%.

Với mảng bảo hiểm nhân thọ, tổng phí bảo hiểm gốc 5 tháng đầu năm 2021 là 58.031 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ. Giãn cách xã hội "lỏng" hơn sau đợt bùng phát đầu tiên (tháng 3 và tháng 4/2020) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bán bảo hiểm. Cạnh tranh khốc liệt tiếp tục thu hẹp và định hình lại thị phần giữa 5 công ty bảo hiểm hàng đầu trong khi tạo nhiều cơ hội hơn cho những công ty nhỏ.

Theo thống kê của ISA và Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị phần của Bảo Việt Nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2021 là 13%, giảm so với mức 15% trong năm 2020. Thị phần của Manulife đạt 23%, tăng 3%. Prudential giảm từ 14% xuống 12%, Thị phần của Dai-ichi giữ nguyên mức 13% trong khi AIA giảm từ 11% xuống 8%.

Doanh thu phí mới trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 20.528 tỷ đồng, tăng 58%. Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đạt mức tăng 77,7% do các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm này trong điều kiện lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm nửa đầu năm 2021. Bảo hiểm hỗn hợp giảm gần 44% như một biện pháp để giảm gánh nặng dự phòng.

Mảng bảo hiểm phi nhân thọ cũng tăng nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn. Phí gốc bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 24.696 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe hạ nhiệt xuống 8,4% từ mức tăng 19,5% trong 5 tháng đầu năm 2020 do từ cuối tháng 3/2020, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty bảo hiểm ngừng bán bảo hiểm chăm sóc sức khỏe liên quan đến Covid-19.

Doanh số bán các sản phẩm chính khác phục hồi với điểm nhấn là bảo hiểm hàng hóa. Bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản và thiệt hại tăng trưởng ổn định lần lượt 4,8% và 8,4%. Bảo hiểm cháy nổ tăng 16,2% trên nền thấp cùng kỳ. Bảo hiểm vận tải hàng hóa tăng mạnh 22,6% nhờ xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi tốt trong nửa đầu năm.

Tương tự trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, sự cạnh tranh khốc liệt khiến các công ty đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ mất thị phần vào các công ty nhỏ hơn. Nếu năm 2019, 5 công ty lớn nhất trong lĩnh vực nắm giữ khoảng 51% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ thì tới tháng 5/2021, con số này chỉ còn 47%.

VDSC dự báo, trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài kể từ giữa tháng 7 đến nay, doanh thu bán bảo hiểm nhiều khả năng sẽ chậm lại trong quý 3 trước khi phục hồi từ quý 4/2021 nhờ tiêm chủng diện rộng.

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể dẫn đến sự suy yếu trong các động lực tăng trưởng doanh thu bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ) trong quý 3, bao gồm nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn; thu nhập của người lao động giảm; các chương trình đầu tư công của chính phủ bị chậm lại. Sự phục hồi sẽ bắt đầu từ quý 4 khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn cho phép mở cửa dần các hoạt động kinh tế.

Về cơ cấu sản phẩm, môi trường lãi suất thấp có khả năng kéo dài sau khi đại dịch được kiềm chế để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, VDSC cho rằng bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ vẫn dẫn dắt tăng trưởng phí bảo hiểm mới của bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, bảo hiểm con người mà chủ yếu là bảo hiểm chăm sóc sức khỏe là động lực tăng trưởng chính của bảo hiểm phi nhân thọ, được thúc đẩy bởi nhận thức cải thiện của người dân về các rủi ro sức khỏe bất ngờ và nghiêm trọng như dịch Covid-19.

Khung pháp lý mới mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho ngành bảo hiểm từ năm 2023. Theo dự kiến của cơ quan chức năng, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi sẽ được ban hành trong năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Các thay đổi trọng yếu có thể tạo ra những thay đổi lớn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

Các thông tin nhân thân về người mua, về giao dịch sẽ được công khai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro tốt hơn, ngăn chặn trục lợi và thiết kế sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng hơn. Hiệu quả kinh doanh sẽ được nâng cao nhờ cắt giảm chi phí khai thác, chi phí bồi thường và chi phí pháp lý.

Luật mới cũng mở rộng các định nghĩa về người được bảo hiểm, quyền lợi có thể được bảo hiểm, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người, giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết: tạo ra thêm nhiều cơ sở pháp lý để nhu cầu mua bảo hiểm có thể phát sinh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại